1,6 tỷ đồng hỗ trợ lao động nữ

13:51 | 13/06/2020

Một gói hỗ trợ tài chính cho lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa được Mastercard và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp triển khai.

Gói 62 nghìn tỷ, có vài địa phương lập danh sách sai lệch
Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thụ hưởng
16 ty dong ho tro lao dong nu

Hơn 800 phụ nữ hiện là nhân viên giúp việc gia đình trực thuộc JupViec.vn đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền lên tới 1,6 tỷ đồng từ gói hỗ trợ tài chính này.

Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ hợp tác nhằm hỗ trợ lao động nữ trong nước. Tùy theo mức độ ảnh hưởng và hoàn cảnh gia đình, mỗi người sẽ được nhận tối đa 3 triệu đồng theo hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người nhận.

Nói về gói hỗ trợ này, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phát biểu: “Phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn đầy bất an hiện nay, khó khăn kinh tế sau đại dịch có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ hơn cả những gì dịch bệnh tạo nên. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tiếp sức cho phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức và giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lao động nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức đã phải đối mặt với việc cắt giảm giờ làm và thậm chí là thất nghiệp. Nhiều người bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc. Thu nhập giảm thiểu, thậm chí có người mất toàn bộ thu nhập. JupViec.vn có ghi nhận một sự sụt giảm rõ rệt về số lượng đơn hàng trên nền tảng của chúng tôi so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với người giúp việc cũng bị giảm thu nhập đáng kể. Vì vậy sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn”, ông Phan Hồng Minh, Giám đốc JupViec.vn chia sẻ.

Với cách hỗ trợ này người nhận hỗ trợ có thể chủ động quyết định việc chi tiêu, sử dụng nó tùy theo hoàn cảnh và ưu tiên khác nhau của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình.

Khảo sát nhanh của CARE tại Việt Nam và JupViec.vn cho thấy đa số phụ nữ nhận hỗ trợ sẽ dùng khoản tiền này để chi trả chí phí sinh hoạt hàng ngày, trả tiền nợ thuê nhà, thuốc thang, trả nợ, đóng tiền học cho con và trang trải cuộc sống nói chung.

Với những nhân viên giúp việc theo giờ đang làm nhiều việc khác như bán hàng hay bán đồ ăn trực tuyến, may gia công tại nhà, làm móng, thu mua phế liệu,…. khoản tiền này còn được dùng để có thêm vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ.

Với những người làm giúp việc gia đình toàn thời gian thông qua JupViec.vn, họ dự định dùng tiền để mua dụng cụ lau dọn, xăng xe, nạp tiền điện thoại và dung lượng dữ liệu Internet để sử dụng ứng dụng (app) phục vụ công việc.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, chia sẻ: “Mastercard đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid-19 một cách thành công. Việt Nam đã trở thành một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tiến tới giai đoạn hậu COVID-19. Để phục hồi kinh tế và thúc đẩy tài chính bao trùm, chúng ta cần quan tâm đến tất cả các thành phần của nền kinh tế và không bỏ lại ai ở phía sau. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy Mastercard tham gia vào mối quan hệ hợp tác này nhằm hỗ trợ tài chính cho phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức”.

Sự hỗ trợ này cũng như mối quan hệ đối tác với CARE sẽ giúp lao động nữ nâng cao chất lượng cuộc sống, vượt qua được khó khăn tài chính tạm thời hiện nay, góp phần giúp họ có thể quay lại làm việc suôn sẻ sau dịch.”

Hoạt động này thể hiện cam kết của Mastercard và CARE trong việc đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang hợp tác trong các dự án khác nhằm khơi dậy tiềm lực của cộng đồng phụ nữ tại Việt Nam – những người đang giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng thu nhập và đói nghèo.

L.L

Tin đọc nhiều