25 năm - Hành trình khẳng định thế và lực

08:57 | 23/09/2016

25 năm qua, từ quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính hạn chế, đến nay Agribank Lào Cai trở thành chi nhánh NHTM lớn mạnh, hiện đại trên địa bàn tỉnh: Chiếm thị phần 50% về nguồn vốn, 35% về dư nợ, 70% về dịch vụ và thanh toán biên mậu...

Vốn ngân hàng là lực đẩy quan trọng cho chính sách
NHCSXH Lào Cai: Từ cuộc chiến xoá nghèo đến phát triển bền vững
Ngành Ngân hàng Lào Cai: Động lực cho phát triển kinh tế

Là NHTM đầu tiên cư ngụ trong ngày đầu tái lập tỉnh Lào Cai, vì thế Agribank xác định sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Bởi thời điểm đó, Lào Cai là một tỉnh biên giới nghèo nhất nước.

Nhưng, sau 25 năm đồng hành và phát triển tại đây, từ một chi nhánh “heo hút”, vượt qua khó khăn Agribank Lào Cai luôn ở trong Top các chi nhánh kinh doanh tốt nhất trong hệ thống, trở thành ngân hàng giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên địa bàn tỉnh. Và quan trọng nữa, nguồn vốn của Agribank đã góp phần quan trọng cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Lào Cai.

Thử thách bản lĩnh người cõng vốn lên non

Với mảnh đất được cho là khó trăm bề đã đủ thử thách bản lĩnh của những ai muốn lập nghiệp, chưa nói đến những người với nhiệm vụ cõng vốn lên non thì quả là áp lực vô cùng. Áp lực là vậy, nhưng Giám đốc Agribank Lào Cai Phạm Tiến Trình cho biết, Agribank nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vì thế chi nhánh đã xây dựng chiến lược phát triển tổng thể bám sát với chương trình, dự án của tỉnh.

25 nam hanh trinh khang dinh the va luc
Nguồn vốn của Agribank Lào Cai đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Xác định Lào Cai là một tỉnh miền núi nghèo nên đảm bảo nguồn vốn ổn định đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, DN phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh luôn là nhiệm vụ trọng tâm của chi nhánh. Vì vậy, chi nhánh đã triển khai quyết liệt các giải pháp huy động vốn qua các năm. Tăng thời gian giao dịch, đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp thị khách hàng, khoán huy động vốn, đa dạng các sản phẩm huy động vốn… là những giải pháp mà Agribank chi nhánh Lào Cai thực hiện để huy động vốn trên địa bàn.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, đến nay, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của chi nhánh đạt 13 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn huy động tại địa phương đạt 7.655 tỷ đồng, tăng tới 378 lần so với năm 1991, tăng 20 lần so với năm 2000 và tăng 3 lần so với năm 2010.

Có nguồn vốn ổn định là động lực quan trọng để Agribank chi nhánh Lào Cai xây dựng kế hoạch, mở rộng hoạt động đầu tư trên địa bàn. Chi nhánh đặc biệt chú trọng các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp - đây là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của những tỉnh có xuất phát điểm thấp.

Các dự án giảm nghèo bền vững tại các huyện 30a cũng được chi nhánh đặc biệt quan tâm. Theo đó, mọi nhu cầu vốn chính đáng cho mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN đầu tư công nghiệp khai thác khoáng sản như Apatít, Sắt, Đồng, xây dựng thuỷ điện, chế biến nông lâm sản như các nhà máy chế biến chè xuất khẩu..., đều được Agribank chi nhánh Lào Cai đáp ứng.

Các DNNVV – đối tượng khách hàng luôn bị “yếu thế” do năng lực tài chính hạn chế cũng đã được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ tín dụng. Cũng bởi sự gắn bó, thủy chung của Agribank từ những ngày đầu lập nghiệp, đến nay, có trên 400 DN và 45 ngàn khách hàng cá nhân có quan hệ tín dụng với Agribank Lào Cai.

Tổng dư nợ đạt trên 11 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay kinh tế hộ đạt 6 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay các DN đạt 5 ngàn tỷ đồng. Song hành với số lượng tín dụng, chất lượng tín dụng được chi nhánh đặc biệt quan tâm kiểm soát chặt chẽ nên tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ có 1,02%/tổng dư nợ.

Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, một trong những điểm tựa quan trọng nhất giúp Lào Cai từ một nơi nghèo nhất khu vực Tây Bắc trở thành một điểm đến năng động, hấp dẫn nhà đầu tư đó là hệ thống Ngân hàng, trong đó vai trò của Agribank Lào Cai là không nhỏ.

Trong suốt những năm qua hoạt động đầu tư vốn của Agribank Lào Cai đều bám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vốn của Agribank Lào Cai đã tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế địa phương. Con số 82.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong suốt 25 năm qua cho thấy một lượng vốn không nhỏ đã thẩm thấu vào từng “ngõ ngách” nơi địa đầu Tổ quốc, góp phần quan trọng trong thành công kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Riêng trong giai đoạn 2011-2015, Agribank Lào Cai đã tài trợ vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình trọng tâm và 27 đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là 54.000 tỷ đồng, đến nay dư nợ đạt 11.000 tỷ đồng, gấp 620 lần năm 1991. Với giải pháp đầu tư cho vay quy mô, bài bản, Agribank Lào Cai đã góp phần hình thành nên các khu công nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá.

Điều đặc biệt quan trọng là nhờ đồng vốn của Agribank, nông dân Lào Cai đã xóa bỏ dần tập quán canh tác lạc hậu, từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tích cực đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở nông thôn hiện nay.

Mặc dù môi trường hoạt động có nhiều thời điểm không thuận lợi, song theo Giám đốc Phạm Tiến Trình, nhờ những nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động toàn ngân hàng, 25 năm qua, từ quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính hạn chế, đến nay Agribank Lào Cai trở thành chi nhánh NHTM lớn mạnh, hiện đại trên địa bàn tỉnh: Chiếm thị phần 50% về nguồn vốn, 35% về dư nợ, 70% về dịch vụ và thanh toán biên mậu, thực hiện quản lý chi lương qua tài khoản ngân hàng trên 80% số đơn vị, tổ chức kinh tế trên địa bàn...

Qua đó khẳng định vị trí đứng đầu về mạng lưới, quy mô nguồn vốn, dư nợ, sản phẩm dịch vụ và thanh toán biên mậu trong hệ thống các NHTM trên địa bàn tỉnh, thể hiện bước tiến nhanh, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đồng thời tạo ra thế và lực mới, khẳng định vai trò vị trí của mình giữ vững danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh, từng bước hội nhập với các ngân hàng trong và ngoài nước.

Tiếp tục là điểm tựa cho sự phát triển kinh tế vùng

Bước vào giai đoạn 2016 – 2020, cũng là thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng hơn đòi hỏi Agribank Lào Cai cần phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong chính sách để đóng góp hiệu quả, tích cực hơn nữa cho toàn hệ thống nói riêng, kinh tế địa phương nói chung.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, tỉnh Lào Cai đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Phát triển nông-lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ là đột phá; phát triển công nghiệp là quan trọng.

Tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch với tổng mức đầu tư khoảng 140 ngàn tỷ đồng với 4 chương trình trọng tâm và 19 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn giảm nghèo bền vững được coi trọng đặc biệt.

Bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà theo ông Phạm Tiến Trình còn là động lực để Agribank Lào Cai phát huy tốt vai trò bà đỡ, tạo sức bật trong hoạt động kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh.

Thực tế thành công trong thời gian qua chứng mình điều này. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020, theo chia sẻ của ông Trình, Agribank Lào Cai phấn đấu đến cuối năm 2020, nguồn vốn huy động đạt từ 14.000 – 15.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2015. Tổng dư nợ đạt khoảng 18.000 – 19.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so năm 2015.

Đây là con số được lượng hóa, còn đi vào các giải pháp cụ thể, ông Trình cho biết: Agribank Lào Cai tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo nguồn vốn kinh doanh ổn định. Đặc biệt, chi nhánh luôn dành vốn đầu tư cho dân cư và các DN thực hiện các chương trình, dự án của tỉnh…

25 năm tái lập tỉnh và ngày thành lập Agribank Lào Cai, đồng thời cũng là điểm mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự nghiệp đổi mới và phát triển. Dù hoạt động kinh doanh sẽ còn đối mặt khó khăn thách thức trước áp lực cạnh tranh, nhưng Giám đốc Phạm Tiến Trình tin tưởng rằng, phát huy những thành quả đạt được, với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó, Agribank Lào Cai nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao phó, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng giàu đẹp.

Để thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng Agribank Lào Cai không ngừng củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhất là giữ vững vai trò chủ đạo trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Agribank Lào Cai cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh và các mục tiêu của Ngành. Từ đó đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn, quan tâm đầu tư vốn cho các chương trình, dự án đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, mở rộng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng; tiếp tục đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sớm đưa Lào Cai đến năm 2020, trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc và là tỉnh khá của vùng trung du miền núi, điểm sáng nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đã đề ra.

Tiến Thanh

Tin đọc nhiều