Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/3 cho hay số lượng thuê bao đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money (thanh toán di động) tính đến hết tháng 1/2023 đạt hơn 3,2 triệu khách hàng.
Trong số này, lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,26 triệu, chiếm 70% tổng số người dùng Mobile Money. Tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 20 triệu với giá trị 1.372 tỷ đồng.
Trước đó vào hồi tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 316/QĐ-TTG phê duyệt thí điểm cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ, kéo dài 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.
Đây là nỗ lực cố gắng thúc đẩy nền tài chính số phát triển, tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ thanh toán số và thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 2/2023, cả nước có 21,78 triệu thuê bao băng rộng cố định (thuê bao internet cáp quang), đạt tỷ lệ 21,9 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 1,98 triệu thuê bao.
Số lượng thuê bao băng rộng di động (thuê bao 3G, 4G, 5G) ước đạt 85,79 triệu (đạt tỷ lệ 86,3 thuê bao/100 dân), tăng 14% so với cùng kỳ (tăng 10,55 triệu thuê bao).
Đáng chú ý, lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 99,6 triệu thuê bao, tăng 7,36% so với cùng kỳ (tương đương tăng 7,1 triệu thuê bao). Lượng thuê bao điện thoại cơ bản (2G) hiện còn 23 triệu thuê bao, giảm 3,8 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động không tần số (mạng di động ảo) tại Việt Nam bao gồm: Đông Dương, Mobicast, ASIM, Digilife. Hiện số lượng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng này là 2,31 triệu, chiếm 1,8% tổng số lượng thuê bao./.
M.T