ACB: Sức hấp dẫn từ nội lực

08:00 | 10/10/2018

Các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của NHTMCP Á Châu (ACB) cho thấy sự tăng trưởng vượt trội và toàn diện, tạo một nền tảng vững chắc cho các tháng còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo.

Cuối quý II/2018, ACB đạt quy mô tổng tài sản 310 nghìn tỷ đồng, tăng 26 nghìn tỷ đồng (9%) so cuối năm 2017. Cơ cấu tài sản tiếp tục được cấu trúc theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản sinh lời trong quy mô tổng tài sản, đạt đến 95% tổng tài sản vào cuối quý II/2018, trong đó riêng nợ nhóm 1 chiếm 71% tổng tài sản, các tài sản không sinh lời và nợ xấu chiếm chưa tới 5% tổng tài sản, đảm bảo tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn. Tỷ lệ cho vay/huy động ổn định ở mức 82%, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và an toàn vốn hợp nhất đạt lần lượt 11,4% và 8,9%, đảm bảo nhu cầu về an toàn vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN và sẵn sàng cho Basel II áp dụng năm 2019.

acb suc hap dan tu noi luc
Ảnh minh họa

Tăng trưởng thu nhập lãi ròng mạnh mẽ nhờ mở rộng tín dụng và hệ số lãi cận biên (NIM) cải thiện, SSI ước tính ở mức 3,49% trong 6 tháng 2018 so với 3,39% trong 6 tháng 2017. Tỷ lệ NIM cải thiện nhờ tăng đóng góp của các khoản vay cá nhân trong tổng dư nợ chiếm 56%, trong khi các DNNVV và DN lớn (MMLC) đóng góp lần lượt 33% và 10% so với 54%, 30% và 16% trong 6 tháng 2017.

6 tháng đầu năm 2018, thu ngoài lãi của ACB đạt 1,647 tỷ đồng, tăng 8%, đóng góp hơn 25% tổng doanh thu. Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi dựa trên nền tảng thu phí dịch vụ tăng 38% so với cùng kỳ đạt 747 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 34 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bancassurance chiếm 40 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch năm. Phí môi giới từ Công ty Chứng khoán ACB tăng mạnh 85% đạt 60 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ACB ghi nhận 510 tỷ đồng thu nhập ròng khác từ các khoản nợ xấu đã xóa, cao hơn nhiều so với mức 49,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, trong đó khoảng 360 tỷ từ các khoản vay nợ nhóm 6 công ty.

Mặc dù chi phí nhân sự tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước lên 1,63 nghìn tỷ đồng, song chi phí hoạt động giảm 9,6% xuống 2,91 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là nhờ hoàn nhập dự phòng 204 tỷ đồng giảm giá tài sản khác (trị giá 204 tỷ đồng). Trong khi đó trong 6 tháng năm 2017, ACB phải trích lập 649 tỷ đồng cho khoản mục này. Do đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) đã cải thiện đáng kể giảm từ 59,1% trong 6 tháng 2017 xuống 44,7% trong 6 tháng 2018. Nếu không bao gồm chi phí dự phòng, tỷ lệ CIR lần lượt là 47,2% và 47,9% trong 6 tháng 2017 và 6 tháng 2018.

Trong giai đoạn này, ngân hàng đã trích lập 445 tỷ đồng dự phòng tín dụng, giảm mạnh 53,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này do ngân hàng không còn phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC và nợ xấu nhóm 6. Do đó, lợi nhuận trước thuế đạt 3,15 nghìn tỷ đồng, tăng 149,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này khá ấn tượng và đúng như mong đợi, hoàn thành 55,3% của kế hoạch năm về lợi nhuận. ACB đã công bố trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 15%. Sau đó, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 12,9 nghìn tỷ đồng.

Nhìn về triển vọng, năm 2018 ghi nhận ACB có HĐQT mới cùng chiến lược phát triển mới giai đoạn 2020-2024, gọi tắt là “Ngân hàng tương lai”. Trong đó đặt ra 3 mục tiêu chính tập trung vào việc: Cải thiện chuẩn hóa quy trình về cung cấp dịch vụ và giải pháp cho khách hàng; Mở rộng cơ sở khách hàng mục tiêu mới bao gồm các cá nhân tiệm cận với khách hàng hiện tại về thu nhập, các DN mới được thành lập từ kinh doanh hộ gia đình, các chuyên gia trình độ cao trong các ngành nghề...; Hướng tới ngân hàng kỹ thuật số để tăng thu nhập phí và cải thiện CIR và CASA, hiện đang ở mức 15,4% và thấp hơn so với các ngân hàng khác (MBB: 39%, VCB: 28,3%, TCB: 24,6%…).

ACB dành 30-35 triệu USD/năm để đầu tư vào công nghệ thông tin. ĐHCĐ 2018 đã thông qua việc đầu tư 500 tỷ đồng vào các quỹ khoa học và công nghệ.

Thế mạnh cho vay tiêu dùng có thêm lực đẩy với kế hoạch tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019. Ngân hàng cũng đã lên kế hoạch phát hành 5 nghìn tỷ đồng giấy tờ có giá trong nửa cuối năm 2018. Trong giai đoạn 2018-2020, ACB sẽ phát hành trái phiếu cấp 2 hàng năm để cải thiện tỷ lệ CAR bên cạnh các biện pháp nhằm nâng cao vốn cấp 1 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ CAR hiện tại theo Basel II là trên 8%, và dự kiến sẽ cải thiện lên 8,6-8,7% vào cuối năm 2018, trong khi đạt gần 10% vào cuối năm 2019.

SSI kỳ vọng thu nhập lãi ròng của ACB sẽ tăng +21,5% YoY trong năm 2018 lên 10,3 nghìn tỷ đồng và + 16,3% YoY trong năm 2019 lên 12 nghìn tỷ đồng, nhờ hệ số NIM tăng 3,6% và 3,71%, so với năm 2017 là 3,45%, nhờ tích cực chuyển sang cho vay bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều