AEC và hiệu ứng đầu tư

09:46 | 11/01/2017

Việt Nam sẽ gặp cạnh tranh từ các quốc gia ASEAN do có nhiều nét tương đồng về lợi thế cạnh tranh.

Hành trang sơ sài với AEC
Thách thức AEC
Cùng doanh nghiệp hội nhập AEC

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời đã tạo ra nhiều thuận lợi đối với việc tự do hoá, bảo hộ và xúc tiến đầu tư. Cùng với AEC, cơ hội đầu tư cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, không chỉ là thu hút dòng vốn nội khối, mà còn là mở ra thị trường cho các NĐT trong nước có nhu cầu và có tiềm lực. Đến nay, khả năng tận dụng cơ hội từ AEC để thu hút và xúc tiến đầu tư được đánh giá đã có thành công nhất định.

Chính sách mở đường

Việt Nam hiện là nước thu hút đầu tư chính trong số các nước ASEAN, đứng sau Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Xét riêng về đầu tư nội khối, đã có 8/11 nước ASEAN có đầu tư FDI tại Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số dự án FDI của 8 nước trên tới hết năm 2016 là 3.143 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 60 tỷ USD, chiếm 14% tổng số dự án và 15% tổng số vốn của cả nước. Trong số này, Singapore đứng đầu với 37,8 tỷ USD, đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, ăn uống lưu trú, xây dựng… Singapore cũng đang là NĐT nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam.

aec va hieu ung dau tu
Các quốc gia ASEAN là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) mà Việt Nam ký kết đã chứa đựng cam kết thuận lợi hoá, xúc tiến, bảo hộ và tự do hoá đầu tư qua biên giới giữa các nước thành viên ASEAN. Theo đó, các nước thành viên ASEAN cam kết xây dựng một mạng lưới đầu tư gắn kết và có tác dụng xúc tiến đầu tư nội khối ASEAN cũng như đầu tư ngoại khối vào ASEAN.

Hiệp định ACIA đặt ra các nghĩa vụ ràng buộc đối với các nước thành viên ASEAN trong việc xây dựng môi trường đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh. Hiệp định này cũng đã vận dụng những thông lệ tối ưu quốc tế trong việc bảo hộ NĐT tại bất kỳ nước thành viên ASEAN nào, nới lỏng các hạn chế về đầu tư, cũng như những thay đổi về chính sách để tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và dễ đoán định hơn cho NĐT.

Theo bà Trang, cơ chế tự do hoá đầu tư của ACIA điều chỉnh các lĩnh vực gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, khai khoáng, khai thác đá và các dịch vụ liên quan của các lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực ASEAN có Brunei, Lào và Myanmar có xu hướng tự do hoá hơn về đầu tư.

Cụ thể, Brunei hạn chế các biện pháp bảo hộ trong 3 lĩnh vực là nông nghiệp, thuỷ sản và các dịch vụ liên quan. Lào bỏ sản xuất công nghiệp khỏi phạm vi bảo lưu của nước này. Myanmar bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài đối với một số ngành hàng như tấm lợp tôn, dược phẩm (trừ thuốc truyền thống)…

Cơ hội và thách thức cạnh tranh

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, sự nới lỏng bảo hộ của một số quốc gia ASEAN có ý nghĩa lớn đối với NĐT. Đặc biệt đối với các DN Việt Nam, đây là cơ hội để mở rộng đầu tư trong khu vực, trong đó tập trung vào các nước láng giềng Lào, Campuchia, Myanmar.

Ông Chung lý giải, DN có thể yên tâm về việc sẽ được hưởng đối xử bình đẳng và công bằng trong hoạt động đầu tư, được bảo hộ khỏi các hành vi truất hữu bất hợp pháp. Trong trường hợp có tranh chấp với Chính phủ của các nước thành viên ASEAN nơi diễn ra hoạt động đầu tư, NĐT của Việt Nam được phép lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp khác nhau, bao gồm cơ chế toà án hay hành chính của nước thành viên ASEAN đó, hoặc hệ thống quốc tế giải quyết tranh chấp.

Hiện nay DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài với hơn 1.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20 tỷ USD, trong đó khoảng 53% sang ASEAN, tập trung vào các nước láng giềng Campuchia, Lào và Myanmar. Dòng vốn của Việt Nam chủ yếu được rót vào các ngành có thế mạnh như khai khoáng, nông, lâm, ngư nghiệp… Những năm gần đây, các DN Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khách như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Các quốc gia ASEAN hiện đang là tâm điểm chú ý của NĐT nước ngoài. Vì vậy từ góc độ vĩ mô, các sáng kiến về đầu tư trong khuôn khổ AEC góp phần nâng cao tính hấp dẫn đầu tư của cả khu vực ASEAN. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi là một cửa ngõ quan trọng của AEC và có một nền tảng sản xuất tốt, đã tạo ra tính hấp dẫn lớn đối với các NĐT toàn cầu, các DN đa quốc gia trong việc thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh khả năng thu hút vốn nước ngoài nhờ hiệu ứng chung của khu vực, Việt Nam cũng có khả năng gặp cạnh tranh mạnh từ chính các quốc gia ASEAN do có khá nhiều nét tương đồng về lợi thế cạnh tranh.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều