Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hơn 1 năm sau, chính sách này đã được kịp thời sửa đổi theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, mới đây nhất, đã tiếp tục được sửa đổi theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN.
Với sự thay đổi bám sát diễn biến dịch bệnh và hoạt động của nền kinh tế, các giải pháp kịp thời, quyết liệt của ngành Ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, từng bước tái sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa |
Tính đến 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Là NHTM Nhà nước lớn nhất hệ thống, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ đầu năm 2021 tới nay, Agribank đã tích cực chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các biện pháp hỗ trợ được Agribank triển khai đồng bộ, sâu rộng, đảm bảo nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Các giải pháp cụ thể Agribank đã thực hiện trong thời gian qua như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay…
Gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được triển khai trong năm 2020 với chương trình tín dụng quy mô 100.000 tỷ đồng lần thứ nhất, Agribank đã thực hiện hỗ trợ vượt định mức với hơn 100.196 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN đạt 485 tỷ đồng (chiếm 0,5% doanh số cho vay); Cho vay doanh nghiệp đạt 87.238 tỷ đồng (chiếm 87% doanh số cho vay), trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa là 40.146 tỷ đồng; Cho vay cá nhân đạt 12.958 tỷ đồng (chiếm 13% doanh số cho vay).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên 200.000 tỷ đồng với chính sách lãi suất ưu đãi.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi 35.000 tỷ đồng (15.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng đối với cho vay trung và dài hạn bằng VND). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng khách hàng chiến lược của Agribank luôn được ngân hàng dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động làm cầu nối cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh bằng việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND.
Đánh giá vai trò quan trọng cũng như nhu cầu lớn của nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI, Agribank đã dành những sự ưu tiên đối với nhóm khách hàng này bằng việc triển khai các chương trình ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam với quy mô gói tín dụng ưu đãi là 150 triệu USD và 5.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn bằng USD và VND.
Riêng với ngành lúa gạo – lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Agribank, hoạt động tín dụng của Agribank đã đầu tư tích cực cho lĩnh vực này trong những năm gần đây, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016 – 2020. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu lúa, gạo, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình đó, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong khu vực chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, thương nhân có nguồn vốn thu mua lúa gạo. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Agribank đã giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo.
Trong tháng 9/2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khu vực phía Nam giảm thiểu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh kéo dài, Agribank tiếp tục giảm thêm 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Với gói hỗ trợ này, Agribank giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm, được áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đối với khách hàng vay vốn tham gia vào một trong các khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng như: Thu mua, chế biến, vận chuyển, phân phối thuộc các lĩnh vực ưu tiên: Nông sản, thủy, hải sản, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, Agribank tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với các quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.
Với hàng loạt các chương trình, giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tính riêng từ thời điểm 15/7/2021 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi Agribank đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho trên 3 triệu khách hàng. Dự kiến với các chương trình đang tiếp tục thực hiện, Agribank giảm chỉ tiêu lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng.
Là ngân hàng thương mại Nhà nước, Agribank luôn tiên phong đồng hành cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, sớm ổn định cuộc sống bình thường mới.
Nguyên Vũ