Agribank đã có những nỗ lực vượt bậc trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến khu vực nông thôn |
Nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng
Với thị trường hơn 14 triệu hộ nông dân, hơn 90% diện tích canh tác thuộc về nông hộ, có thể thấy nhu cầu về vốn cho “tam nông” là vô cùng lớn và có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Chỉ tính riêng Agribank, trong hơn 1.000.000 tỷ đồng dư nợ cho vay nền kinh tế, thì hơn 70% là cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số đã phát sinh nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng các dịch vụ ngân hàng tiện ích như E-Banking, Internet Banking, Mobilebanking... và theo đó, các phương tiện phục vụ cho nhu cầu thanh toán như ATM, POS, Ví điện tử... cũng phát triển.
Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, như: Đa dạng hóa các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử…
Để hiện thực hóa chủ trương này, các NHTM đã chuyển mạnh từ cung ứng dịch vụ truyền thống sang mô hình ngân hàng số, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong giao dịch thanh toán. Cùng với đó, các NHTM cũng tích cực nghiên cứu các mô hình kinh doanh, mô hình ngân hàng số, tập trung dữ liệu toàn ngành, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, an toàn thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực, từ đó ứng dụng chính nền tảng công nghệ hiện đại để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và triển khai mạnh mẽ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là một trong những mục tiêu nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới các đối tượng chưa hoặc ít có cơ hội tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, nhất là nông dân ở vùng sâu vùng xa.
Đến với bà con vùng khó khăn
Agribank đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân, chung sức cùng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, phát huy lợi thế về mạng lưới, con người và công nghệ, Agribank Đắk Lắk đã có những nỗ lực vượt bậc trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến khu vực nông thôn trong tỉnh.
Chị Trần Thị Thanh Tùng (thôn 8, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) là một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ chuyển tiền trên Internet Banking, trên các ứng dụng Mobile Banking của Agribank Đắk Lắk. Chị Tùng cho biết, trước đây muốn chuyển tiền hay sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác đều phải đến quầy để giao dịch nên rất tốn thời gian và chi phí đi lại. Từ khi sử dụng dịch vụ Internet Banking và E-Mobile Banking của Agribank, chị chỉ cần ngồi ở nhà là có thể hoàn tất các giao dịch một cách tiện lợi và rất an toàn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bình (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chia sẻ, là khách hàng lâu năm, thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Agribank, nhưng ông không nghĩ rằng một ngày nào đó có thể ngồi bất cứ đâu cũng có thể thực hiện giao dịch qua Agribank E-Mobie Banking để chuyển tiền.
Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, kênh thanh toán hiện đại đã giúp người tiêu dùng thanh toán linh hoạt, tiện lợi hơn, dễ dàng quản lý ngân sách chi tiêu. Chẳng hạn, chỉ cần có trong tay một chiếc thẻ ngân hàng, việc mua sắm hàng hóa trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian, trong khi vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật. Có thể thấy sử dụng thẻ trong thanh toán thực sự trở thành phương thức tiêu dùng thông minh, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm khách hàng, ngân hàng và đơn vị cung ứng sản phẩm chấp nhận thanh toán thẻ. Hoặc với một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng khách hàng có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử ở bất kỳ đâu, thời điểm nào…
Những kết quả thiết thực
Theo số liệu của Agribank Đắk Lắk, đến cuối tháng 9/2020, chi nhánh đơn vị phát hành 189.909 thẻ ATM cho khách hàng, trong đó khách hàng khu vực nông thôn sử dụng thẻ ATM là 122.034, chiếm 64,25% tổng số thẻ phát hành. Dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking có 152.162 khách hàng sử dụng, trong đó có 102.860 khách hàng khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ này, chiếm 67,59% tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking. Dịch vụ Internet Banking là dịch vụ mang dấu ấn của ngân hàng hiện đại, tuy mới triển khai nhưng đã có 10.600 khách hàng sử dụng, trong đó có một số lượng không nhỏ khách hàng ở khu vực nông thôn.
Agribank Đắk Lắk xác định một trong những nội dung quan trọng phải đạt được đó là cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng tốt hơn, cải cách thủ tục giao dịch, trợ giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ của Agribank mọi lúc, mọi nơi.
Với 38 ATM hiện có, trên 130 thiết bị EDC/POS, gần 20 chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng từ địa bàn thành thị đến nông thôn… là nền tảng quan trọng để Agribank Đắk Lắk phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại đến người dân - nhất là ở khu vực nông thôn. Không dừng lại ở đó, để giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng, từ đó, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư, Agribank Đắk Lắk còn triển khai thêm kênh phân phối “Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng”.
Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động như một chi nhánh của Agribank. Tại đây, có đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như: Huy động tiền gửi tiết kiệm; mở tài khoản tiền gửi thanh toán; dịch vụ tiện ích Agribank E-Mobile Banking; tiếp nhận và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng; thực hiện giải ngân, thu nợ vốn gốc, lãi và cung ứng các dịch vụ ngân hàng tiện ích khác.
Với kết quả đạt được trong phát triển sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, với kênh thanh toán hiện đại, Agribank Đắk Lắk đã thực hiện đa dạng hóa kênh phân phối giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng, dần dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Từ đó, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư vùng nông thôn.
Quốc Lương