“Điện tử hóa” thủ tục hành chính
Tại Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa thủ tục hành chính. Không những vậy, thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVCQG còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương”.
Tính đến ngày 18/5/2020, sau 5 tháng hoạt động, đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến gồm 171 dịch vụ cho công dân và 235 dịch vụ cho doanh nghiệp và có hơn 37 triệu lượt truy cập, trên 142.000 tài khoản đăng ký. Việc thực hiện thanh toán trực tuyến giúp tiết kiệm không hề nhỏ cho ngân sách quốc gia. Theo ước tính, đến nay tổng chi phí xã hội tiết kiệm được qua Cổng DVCQG trực tuyến là 6.400 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp hơn 3.036 tỷ đồng/năm.
Agribank là NHTM đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại |
Theo đánh giá của Đại diện WB tại Việt Nam, giá trị của Cổng DVCQG đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. “Chúng ta đặc biệt vui mừng khi nghe về sự phát triển của Cổng DVCQG. Kể từ thời điểm khai trương cách đây 5 tháng, đến nay đã có hơn 35 triệu lượt truy cập, hàng trăm dịch vụ được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp thông qua cổng thông tin cũng như đã có một lượng thông tin và phản hồi được khởi tạo”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam bày tỏ.
Kết quả này, theo nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng DVCQG. Đây là sự phối hợp, cố gắng của các bộ, ngành liên quan trong việc cùng chung tay xây dựng, triển khai Cổng DVCQG.
Những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG trong thời gian sắp tới sẽ chú trọng đến lĩnh vực thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp…
Lợi ích với dịch vụ công điện tử của Agribank
Trong kết quả tích cực trên có sự đóng góp không nhỏ của Agrbank. Thực hiện “Đề án tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” và “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công” của Chính phủ và kế hoạch, chỉ đạo của NHNN, Agribank đã phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xây dựng Cổng thanh toán thuế điện tử (AGRITAX - Agribank Tax Payment System) để phục vụ thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN). Hệ thống này gồm giao dịch nộp thuế tại quầy; Nộp thuế qua Internet Banking của Agribank và Nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Cổng thanh toán thuế điện tử AGRITAX của Agribank được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tập trung, kết nối trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và có tương tác trực tiếp với Corebanking của Agribank. Với công nghệ hiện đại và sự thuận tiện mang đến cho khách hàng, AGRITAX đã được vinh danh phần mềm xuất sắc tại Giải thưởng Sao Khuê 2017. Hệ thống AGRITAX được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc từ nông thôn, thành thị cho đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo góp phần hỗ trợ khách hàng thuận lợi trong quá trình nộp thuế NSNN, giảm thời gian thu-nộp thuế, chỉ cần có thiết bị được kết nối Internet, khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi 24/7, kể cả ngày lễ, tết.
Tiếp nối thành công từ thỏa thuận phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Thuế, Agribank phối hợp với Tổng cục Hải quan chính thức áp dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đối với thuế xuất nhập khẩu qua hệ thống Internet Banking. Dịch vụ này tạo điều kiện cho người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể thực hiện và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế bất kỳ thời điểm nào trong ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ mà không phụ thuộc vào thời gian làm việc của ngân hàng hoặc các điểm thu của cơ quan hải quan. Nghĩa vụ trên có thể thực hiện bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet, được ngân hàng xác nhận kết quả nộp thuế tức thời và được cơ quan hải quan hỗ trợ thông quan hàng hóa nhanh chóng theo quy định.
Sau nhiều năm triển khai, dịch vụ nộp thuế điện tử đối với loại thuế xuất nhập khẩu qua hệ thống Internet Banking của Agribank giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian nộp thuế so với cách thức giao dịch tại quầy như trước đây. Đồng thời, loại hình này giúp giảm áp lực giao dịch trực tiếp tại ngân hàng và giúp các cơ quan hải quan quản lý việc thu thuế chính xác, hiệu quả hơn.
Theo thống kê của Agribank, năm 2019, có 160.000 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử. Trong đó số giao dịch nộp thuế thành công đạt 7.186.986 món với tổng số tiền nộp NSNN đạt gần 185 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank còn mở rộng và triển khai trực tuyến tại tất cả các chi nhánh trong hệ thống Agribank các kênh điện tử cho khách hàng để thực hiện nộp thuế vào NSNN.
Cam kết phục vụ tốt nhất người dân và DN
Việc triển khai thanh toán thành công các dịch vụ công qua Cổng thanh toán thuế điện tử, Tổng cục Hải Quan đã khẳng định vai trò, hiệu quả của Agribank đối với các chính sách thúc đẩy thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công. Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm thời gian và giảm tải giao dịch nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt giao thông, xử lý thông tin thu nộp dịch vụ công nhanh chóng, chính xác, góp phần đa dạng hóa các kênh thu NSNN. Đó cũng là nền tảng để Chính phủ tin tưởng lựa chọn Agribank cùng với VietinBank, Vietcombank, BIDV là kênh thanh toán trung gian với Cổng DVCQG.
Agribank xác định tiếp tục đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống kê khai thuế, nộp thuế, phí, nộp phạt giao thông... thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải Quan, Cổng DVCQG để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và thông suốt.
Theo đại diện Agribank, bằng việc triển khai tích hợp dịch vụ trên Cổng DVCQG, Agribank cam kết đồng hành cùng hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho khách hàng trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, đẩy mạnh giao thương hàng hóa và hội nhập quốc tế. Với nền tảng công nghệ hiện đại, Agribank đảm bảo các giao dịch thanh toán dịch vụ công của khách hàng sẽ được tiến hành an toàn, nhanh chóng, thuận tiện và thông suốt.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình, tổ chức hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn hoạt động nhằm đơn giản hóa thủ tục, gia tăng tiện ích cho khách hàng; tiếp tục hướng dẫn khách hàng thanh toán các dịch vụ công qua Internet Banking, qua các Cổng thanh toán thuế điện tử, Tổng cục Hải Quan, Cổng DVCQG… đáp ứng nhu cầu thanh toán, cũng như gia tăng tiện ích sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Có thể khẳng định, không chỉ đóng vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank còn là NHTM đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại. Với hơn 200 sản phẩm, dịch vụ hiện có, nhiều sản phẩm dịch vụ của Agribank như: Nhóm sản phẩm huy động vốn, tín dụng, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, thẻ, E-Banking… ngày càng được đông đảo khách hàng tin dùng. Thông qua đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ, Agribank là NHTM tiên phong, chủ lực cùng ngành Ngân hàng góp phần tích cực vào thành công chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Trang Thùy