Agribank Thanh Hóa: Vững vàng điểm tựa miền Trung...

08:12 | 24/01/2020

Tuy có nhiều khó khăn, song với giải pháp điều hành chủ động, tích cực, sát với thực tế, hoạt động kinh doanh của Agribank Chi nhánh Thanh Hóa vẫn đạt được kết quả tích cực, vẫn duy trì được tốc độ phát triển, giữ vững vai trò là một trong các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là khu vực nông nghiệp-nông thôn, là điểm tựa cho người dân doanh nghiệp khu vực miền Trung...

Năm 2019, Agribank Thanh Hóa tiến hành chia tách thêm 2 chi nhánh là Bắc Thanh Hóa và Nam Thanh Hóa, kèm theo đó là quy mô tín dụng của ngân hàng suy giảm. Lại nữa, bộ máy nhân sự cũng có nhiều thay đổi do chia tách, hoạt động của Agribank Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn do mạng lưới rộng, lại có nhiều chi nhánh thuộc khu vực miền núi nơi có điều kiện kinh doanh khó khăn, phải thực hiện chính sách ưu đãi theo NQ 30A. Trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn năm 2019 được giao khá cao, gây áp lực lớn.

Tuy có nhiều khó khăn, song với giải pháp điều hành chủ động, tích cực, sát với thực tế, hoạt động kinh doanh của Agribank Chi nhánh Thanh Hóa vẫn đạt được kết quả tích cực, vẫn duy trì được tốc độ phát triển, giữ vững vai trò là một trong các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là khu vực nông nghiệp-nông thôn, là điểm tựa cho người dân doanh nghiệp khu vực miền Trung...

agribank thanh hoa vung vang diem tua mien trung

Giám đốc Agribank Thanh Hóa ông Trịnh Ngọc Thanh chia sẻ, hoạt động kinh doanh năm 2019 của chi nhánh đạt kết quả tích cực, tất cả các chỉ tiêu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước và về cơ bản đã đảm bảo kế hoạch đề ra; hầu hết các chỉ tiêu đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung toàn hệ thống Agribank; chất lượng các mặt hoạt động được đảm bảo; chi nhánh chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định quản lý điều hành của Agribank, không để xảy ra các vi phạm.

Agribank Thanh Hóa cũng luôn đi đầu trong việc hạ lãi suất tiền vay để chia sẻ khó khăn với DN và người dân. Hiện nay lãi suất cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6,0%/năm; ngoài ra, chi nhánh còn có nhiều chương trình ưu đãi với lãi suất xuống thấp tới 5 - 5,5%/năm. Bên cạnh đó, chi nhánh còn thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ; thực hiện miễn, giảm lãi tiền vay mỗi năm hàng chục tỷ đồng tạo điều kiện cho khách hàng tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Đạt được kết quả ấy, Agribank Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn: triển khai kịp thời cơ chế lãi suất cạnh tranh; ban hành cơ chế khen thưởng khuyến khích, hỗ trợ huy động nguồn vốn lớn, lãi suất thấp; định hướng việc đánh giá kết quả huy động vốn quy đổi theo kỳ hạn huy động nhằm khuyến khích cán bộ khai thác nguồn vốn rẻ; tiếp tục phát triển mạnh khách hàng mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, trả lương qua tài khoản để thu hút nguồn vốn không kỳ hạn... Nhờ đó, nguồn vốn tăng trưởng khá tốt ngay từ những ngày đầu năm, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đây.

Chi nhánh cũng đã thực hiện tốt việc sàng lọc, lựa chọn khách hàng để cho vay; thu giảm dư nợ những khách hàng có tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn. Chi nhánh cũng đã xác định một cơ cấu hợp lý giữa tín dụng thương mại với tín dụng chính sách, giữa tín dụng pháp nhân với cá nhân, giữa cho vay trực tiếp với cho vay qua tổ vay vốn; áp dụng lãi suất cho vay phù hợp với mức độ rủi ro và đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vốn tín dụng. Nhờ đó, dư nợ tăng trưởng sớm và khá ổn định ngay từ đầu năm. Do thực hiện tốt việc luân chuyển vốn nên các chi nhánh vẫn đáp ứng thông suốt nhu cầu vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ; gia tăng các chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân, thì một trong những giải pháp hữu hiệu mà Agribank đang triển khai là trực tiếp đến với người dân thông qua mô hình xe lưu động. Việc kết hợp điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn đã giúp Agribank Thanh Hóa khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “tam nông”. Đây là một kênh dẫn vốn hiệu quả với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại, đảm bảo sự an toàn cho khách hàng, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt nạn tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Đặc biệt, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ có 0,04%. Công tác xử lý thu hồi nợ đã xử lý rủi ro được tập trung thực hiện quyết liệt, tất cả các khoản nợ đều được xây dựng phương án và lộ trình thực hiện các bước xử lý nợ. Các tổ công tác thuộc Ban chỉ đạo xử lý nợ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các chi nhánh thực hiện phương án xử lý nợ. Toàn chi nhánh đã thực hiện vượt kế hoạch được giao.

Theo Giám đốc Trịnh Ngọc Thanh, trong thời gian tới, chi nhánh tập trung huy động vốn; khai thác các nguồn thu dịch vụ; quản lý chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu và xử lý thu hồi nợ đã xử lý rủi ro. Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp để tăng trưởng nguồn vốn huy động gắn với chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn. Tiếp tục thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, chi trả lương qua tài khoản để khai thác nguồn vốn không kỳ hạn, đồng thời tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm dịch vụ đi kèm.

Chi nhánh cũng tiếp tục chủ động tiếp cận các DN, các tổ chức kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để thu hút các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, tăng tỷ trọng bình quân nguồn vốn không kỳ hạn và ngăn chặn đà suy giảm của nguồn vốn ngắn hạn, nhằm giữ ổn định lãi suất đầu vào. Tiếp tục ưu tiên cân đối các nguồn tiền thưởng để thực hiện chính sách khen thưởng huy động vốn, khuyến khích, hỗ trợ chi nhánh huy động nguồn vốn không kỳ hạn và các nguồn vốn lãi suất thấp; khuyến khích các chi nhánh thực hiện vượt kế hoạch được giao.

Chi nhánh cũng thực hiện sàng lọc, thu hồi giảm nợ vay của các khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao; điều chỉnh cơ cấu dư nợ theo hướng tăng tỷ trọng cho các lĩnh vực, các khách hàng có hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn. Tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh các tồn tại trong công tác tín dụng về phương thức giải ngân, về quản lý vốn tín dụng, các tồn tại, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động bảo lãnh, cho vay tiêu dùng, cho vay thấu chi, trong quản lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ...; Tổ chức thực hiện việc đối chiếu nợ vay đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều