Agribank thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

09:27 | 16/01/2020

Tích cực cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp, cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm và kênh thanh toán ngân hàng điện tử, góp phần nâng cao nhận th

agribank thuc day thanh toan khong dung tien mat
Qua Đề án thẻ, Agribank mong muốn góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen

Xu hướng tất yếu của sự phát triển

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, kinh phí… Nhận thức đươc tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đề án yêu cầu phải đặc biệt quan tâm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Trong thời gian vừa qua, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên việc đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn này hiện đang gặp không ít khó khăn do sự hiểu biết về dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán nói riêng của người dân còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến; mức độ tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, yếu tố quan trọng trong thanh toán không dùng tiền mặt thấp; đối với ngân hàng tại địa bàn nông thôn rộng lớn, dân số đông đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống thanh toán, chi phí hoạt động cao. Hiện nay, số người mở và sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán, chi trả vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cũng là ngân hàng tiên phong hành động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen, Agribank quyết liệt triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân.

Nhận thấy hình thức tổ vay vốn rất phù hợp ở địa bàn nông thôn, nơi các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động mạnh mẽ, có uy tín cao, giúp ngân hàng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, hỗ trợ tạo tiền đề cho ngân hàng trong quá trình phối hợp tuyên truyền triển khai các hoạt động cho vay, Agribank đã kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong việc quản lý khách hàng, giảm áp lực của cán bộ làm công tác tín dụng.

Qua thời gian triển khai, tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài của Agribank đến các hộ nông dân. Hoạt động cho vay qua tổ nhóm được triển khai mạnh mẽ tại nhiều chi nhánh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… Nhiều chi nhánh có dư nợ cho vay qua tổ tăng nhanh như: Tây Nghệ An, Nghệ An, Ninh Thuận, Nam Định…

Bên cạnh đó, Agribank thực hiện triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 7.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 700 nghìn khách hàng tại trên 400 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.

Để đảm bảo sự thuận tiện, an toàn trong hoạt động, phát huy đầy đủ các tiện ích và tạo được lòng tin cho khách hàng đến giao dịch, Agribank đã phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh an toàn khi giao dịch; triển khai nhiều giải pháp công nghệ tối ưu để đảm bảo sự thông suốt của hệ thống đường truyền và các giao dịch; ngoài ra, công tác quản lý tín dụng cũng được Agribank thực hiện bài bản đảm bảo quản lý tín dụng hiệu quả…

Góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Lấy khách hàng là trọng tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích, năm 2019, Agribank chính thức triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo đó, Agribank triển khai hai sản phẩm dịch vụ đặc biệt ưu đãi đối với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và kéo dài chương trình này đến 15/09/2020. Những ưu đãi khách hàng được nhận từ chương trình này là miễn phí phát hành thẻ ATM, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí thường niên. Hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân là người Việt Nam cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc cá nhân cư trú ngoài địa bàn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Không chỉ ưu đãi với người dùng, Agribank còn có chính sách cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) là các Công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…) và các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản cũng nhận được ưu đãi. Theo Đề án, các ĐVCNT miễn phí trang bị lắp đặt POS; miễn phí chiết khấu cho ĐVCNT địa bàn nông nghiệp, nông thôn khi chấp nhận thanh toán thẻ thấu chi ATM; hỗ trợ các công cụ quảng cáo…

Chia sẻ lý do ngân hàng triển khai đề án này với phóng viên, lãnh đạo Agribank cho biết, thấu hiểu nỗi lòng của người dân không phải lúc nào cũng có tiền lớn thường xuyên ở trong nhà mà phải đợi đến khi mùa vụ tới bán được sản phẩm mới có tiền để tiếp tục đầu tư, quay vòng. Trong trường hợp khách hàng cần khoản tiền gấp mua thuốc trừ sâu phòng bệnh, hay công cụ sản xuất... nếu không vay mượn được người thân quen, thì phải tìm đến tín dụng đen vay nóng để xử lý công việc. Vì vậy, Agribank muốn phát hành thẻ thấu chi cho bà con nông dân, để có thể đáp ứng nhu cầu kịp thời mua bán phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, quan trọng hơn cả là đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.

Thực tế cho thấy, ứng dụng tốt khoa học công nghệ hiện đại vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng suất lao động. Ngành Ngân hàng nói chung và Agribank trong những năm qua đã không ngừng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm dịch vụ tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng trong kỷ nguyên công nghệ số khi CNTT ngày càng phát triển và được áp dụng rộng rãi ở cả khu vực thành phố và nông thôn, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng CNTT trong đời sống của người dân tiếp tục gia tăng, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh.

Việc triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn cùng các chính sách ưu đãi thiết thực hứa hẹn sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu chủ động “đi tắt, đón đầu” của Agribank nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, Agribank mong muốn xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới ĐVCNT tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như: Điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

Là NHTM hàng đầu tại Việt Nam trên mọi phương diện tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, mạng lưới…, bên cạnh giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; không ngừng phát triển SPDV tiện ích, đa dạng kênh phân phối, nhất là trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Cùng với triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Agribank mong muốn ngày càng có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa trong việc phát triển xã hội không tiền mặt tại Việt Nam, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen.

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều