Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 24/2/2017, NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) tại Sacombank. Mới đây, HĐQT Sacombank cũng thông báo ông Lê Trọng Trí (con rể ông Trầm Bê) thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Sacombank kiêm Trưởng phòng Hành chính quản trị, chuyển sang làm chuyên viên cấp cao thuộc Văn phòng HĐQT kể từ ngày 4/4.
Sau sự ra đi của những nhân vật “cộm cán” tại ngân hàng này, thì giới đầu tư đang “ngắm nghía” xem ai là gương mặt triển vọng để có thể đặt vào những vị trí quan trọng nhất của ngân hàng này lèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Nếu không, khả năng con thuyền này có thể bị nhấn chìm có thể xảy ra.
Theo báo cáo dự kiến trình Đại hội cổ đông diễn ra trong tháng 5, đáng chú ý là thông tin Sacombank dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 là 7 người. Trong đó, 01 thành viên HĐQT độc lập, tối thiểu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành ngân hàng và thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên BKS dự kiến là 4 người. Hiện HĐQT Sacombank cũng đang có 7 thành viên, trong đó ông Kiều Hữu Dũng là Chủ tịch HĐQT.
Lúc này, sau khi ông Đặng Văn Thành chính thức rút lui không tham gia mua lại cổ phần Sacombank nữa, tâm điểm lại “ngắm” vào nội bộ của Sacombank có gương mặt sáng giá nào có thể đảm nhiệm ghế nóng Chủ tịch HĐQT. Hiện tại, gương mặt sáng giá nhất được giới đầu tư nhắm tới đó là ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Với kinh nghiệm từng làm Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB, Chủ tịch HĐQT Sacombank, có dự đoán, biết đâu, ông Kiều Hữu Dũng sẽ “tái cử” vị trí ghế nóng này? Đáng chú ý, gần đây nhất, ông Dũng đã mua vào 300 ngàn cổ phiếu STB với giá trị khoảng hơn 3 tỷ đồng, trong khi trước đó ông Dũng chưa từng sở hữu cổ phiếu STB nào.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, thời điểm này trước mắt có thể lựa chọn những nhân vật quen thuộc và vẫn được cổ đông ngân hàng tín nhiệm. Để tạo sự đồng thuận trong HĐQT cũng như từ phía các cổ đồng, theo vị chuyên gia trên, không nên xáo trộn quá nhiều các vị trí lãnh đạo cấp cao. Như Eximbank là ví dụ điển hình. Nhờ có sự đồng thuận từ các nhóm cổ đông, Đại hội cổ đông ngân hàng này đã thành công khi nhất trí thông qua kế hoạch, định hướng kinh doanh ngân hàng.
Tất nhiên, đến giờ này, Chủ tịch HĐQT Sacombank vẫn còn là ẩn số. Nhưng dù là gương mặt cũ hay mới, chắc chắn cần phải sớm được ổn định và định hình. Bởi vì Hội đồng quản trị là nơi vạch ra các đường lối phát triển, tập trung ổn định cơ cấu tổ chức, công tác quản trị để các ngân hàng có thể phát triển và thực hiện các mục tiêu về tái cơ cấu ngành ngân hàng mà NHNN đặt ra.
Trong một diễn biến có liên quan đến thay đổi nhân sự, chiều 24/4, LienVietPostBank bất ngờ phát đi thông cáo báo chí về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 vào ngày 24/4. Theo thông cáo, LienVietPostBank cho biết sẽ miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Hưởng thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank.
Theo thông báo này có thể ông Hưởng nhận phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của NHNN. Theo một nguồn tin, có thể, tạm thời ông Hưởng về NHNN tham gia tổ giám sát tái cơ cấu, thay thế lãnh đạo phụ trách mảng thanh tra.
Phương Thảo