“Anh, ả” đều thiệt

13:11 | 06/06/2012

Phần lớn các hợp đồng mua bán nông sản đều dựa trên niềm tin, nên thật khó phân xử khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, thực trạng thực thi pháp luật trong hợp đồng kinh tế giữa nông dân với DN ở nước ta còn kém hiệu lực. Khi tranh chấp hợp đồng xảy ra không có ai phân xử, vì cả DN lẫn nông dân đa số không có ai nghĩ đến chuyện đưa nhau ra tòa án.

Niềm tin có đủ cơ sở?

Vụ Công ty cổ phần Bình An nợ nông dân tiền mua cá một thời gian dài mà không có khả năng thanh toán nợ, bất đắc dĩ những “chủ nợ” này đã phải đâm đơn kiện. Đằng sau sự việc này lại cho thấy một thực tế đang diễn ra khá phổ biến, đó là việc giao dịch, mua bán nông sản giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân dường như chủ yếu dựa trên “niềm tin” là chính, ít ai chú trọng tới điều khoản của hợp đồng, là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo quyền lợi khi rủi ro xảy ra. Được biết, hợp đồng mua bán cá giữa các hộ nông dân ở Cần Thơ với Công ty cổ phần Bình An có rất nhiều điều khoản không rõ ràng, mà chỉ mang tính chất chung chung. Cụ thể, trong điều khoản thanh toán lại không xác định thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản, nên sẽ vô nghĩa khi phía DN sử dụng hình thức chuyển khoản để thanh toán.


Nông dân tham gia hợp đồng mong được hỗ trợ đầu vào và các dịch vụ sản xuất, tiến bộ kỹ thuật...

Hơn nữa, bất cập từ cơ chế, chính sách cũng khiến không ít người cảm thấy nản lòng khi phải giải quyết tại tòa. Tính trung bình, từ lúc gửi đơn đến thi hành được bản án là một năm rưỡi đến hai năm. Với thời gian này rất ít nông dân có đủ điều kiện về lực và thời gian theo đuổi đến cùng. Ngược lại cũng có không ít trường hợp, DN phải “ngậm đắng nuốt cay” khi nông dân bội tín chỉ vì chạy theo lợi nhuận. Và khi ấy, nếu có kiện nông dân ra tòa, DN cũng tốn kém không ít thời gian và tiền của trong khi kết quả đòi được không đáng gì. Câu chuyện Công ty bông Đồng Nai kiện hơn 1.000 hộ nông dân do vi phạm hợp đồng, không trả hơn 3 tỷ đồng nợ đầu tư cho công ty, vẫn là một ví dụ điển hình khi nói về những rủi ro mà DN gặp phải khi làm ăn với nông dân. Tuy tỷ lệ thắng kiện là 99% nhưng tỷ lệ thi hành án thành công chỉ là 5% số nợ được thu hồi, bằng phân nửa chi phí phải bỏ ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, lòng tin tuy là cơ sở quan trọng của hợp đồng, song vai trò của pháp luật cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, thực trạng thực thi pháp luật trong hợp đồng kinh tế giữa nông dân với DN ở nước ta còn kém hiệu lực. Khi tranh chấp hợp đồng xảy ra không có ai phân xử, vì cả DN lẫn nông dân đa số không có ai nghĩ đến chuyện đưa nhau ra tòa án. Vì vậy, Nhà nước ở đây chính là chính quyền cấp xã phải có quyền và trách nhiệm để phân xử các vi phạm hợp đồng...

Điều này lại một lần nữa giải thích vì sao sau gần 10 năm triển khai phương thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp. Tỷ lệ này mới đạt vài phần trăm, như lúa hàng hóa 2,1%, chè 9%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%, thủy sản 13%, gỗ 16,7%... Chỉ rất ít lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như trồng và tiêu thụ bông đạt trên 90%, thuốc lá 80%, nuôi bò sữa 80%.

Cần nắm rõ pháp luật

Theo phân tích của các chuyên gia, hợp đồng mua bán nông sản thường mang tính đối phó, trong khi chính quyền chưa đảm nhận vai trò điều tiết mối quan hệ giữa DN và nông dân. Do đó, để cho một giao dịch mua bán thành công giữa nông dân và DN, nhất thiết phải có hợp đồng cụ thể, rõ ràng. Các điều kiện bảo đảm khả năng thanh toán của bên mua, trong đó chú trọng phương thức thanh toán qua ngân hàng và có bảo lãnh của ngân hàng. Đặc biệt, đã đến lúc phải đặt vấn đề thực hiện bảo hiểm đối với các hợp đồng mua bán nông sản, để đảm bảo thành công giữa 2 bên mua - bán.

Dưới góc độ luật pháp, LS.Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho vấn đề này. Song tựu chung lại là do các bên không hiểu biết về pháp luật, dẫn đến không tôn trọng hợp đồng đã ký, cũng như không biết tự bảo vệ khi có thiệt hại xảy ra. Ông cho rằng, cần phải có cơ chế giải quyết các tranh chấp theo trọng tài. Đây được coi là một trong những phương thức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, bởi trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên, phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Khi xảy ra tranh chấp, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn trọng tài viên - những chuyên gia hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tranh chấp như hợp đồng mua bán nông sản. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tính bí mật cho các bên tranh chấp, sau tranh chấp các bên không bị ảnh hưởng đến uy tín trên thương trường. Phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành giống như bản án của Tòa án, hoàn toàn có khả năng thi hành chứ không chỉ nằm trên giấy tờ và không có khả năng thi hành như nhiều người vẫn nghĩ.

Thúy Nga

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều