Bài toán nhân sự cấp cao vẫn đang bỏ ngỏ

09:01 | 24/04/2017

BIDV dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm 2017, từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng.

Con thuyền đỏ, cánh buồm xanh, BIDV lướt nhanh, lướt nhanh...
Khi bán lẻ là trọng tâm cốt lõi
BIDV kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 của BIDV là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất cuối tuần qua. Bởi đây không chỉ là một NHTM Nhà nước lớn mà vấn đề nhân sự của NH này cũng như phương thức tăng vốn điều lệ, định hướng hoạt động kinh doanh… đều là những vấn đề có ảnh hưởng nhất định đến toàn thị trường.

Về nhân sự, ĐHĐCĐ nhất trí bầu HĐQT nhiệm kỳ 2017- 2022 gồm 10 thành viên: Ông Trần Anh Tuấn, ông Phan Đức Tú, ông Bùi Quang Tiên, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Nguyễn Huy Tựa, bà Lê Thị Kim Khuyên, ông Nguyễn Văn Lộc, ông Trần Thanh Vân, và ông Lê Việt Cường. Trong danh sách này, chỉ có hai gương mặt mới là ông Bùi Quang Tiên (Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN) và ông Lê Việt Cường. Hai ông này thay thế vị trí của ông Đặng Xuân Sinh và ông Tô Ngọc Hưng.

HĐQT đã họp phiên thứ nhất và thống nhất bầu ông Trần Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT; Ông Phan Đức Tú đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Như vậy thông tin thị trường quan tâm nhất là vị trí chủ chốt của NH này không có gì thay đổi. Ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT, đã đảm nhiệm vai trò Phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu (tháng 8/2016).

bai toan nhan su cap cao van dang bo ngo
Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017- 2022

Tháng 10/2016, BIDV đã phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để sửa đổi điều lệ BIDV với nội dung đáng chú ý: người đại diện theo pháp luật của BIDV không còn là Chủ tịch HĐQT mà là Tổng giám đốc (ông Phan Đức Tú). Theo điều lệ cũ, Chủ tịch HĐQT có quyền hạn và nhiệm vụ: đại diện cho BIDV trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản. Theo điều lệ sửa đổi được đại hội bất thường thông qua, Chủ tịch HĐQT chỉ còn quyền đại diện cho BIDV trong quan hệ quốc tế.

Ông Trần Anh Tuấn công tác tại BIDV từ năm 1989, từng giữ cương vị Tổng giám đốc BIDV. Tuy nhiên, ông Tuấn sinh năm 1958. Nếu đúng quy định nam nghỉ hưu vào tuổi 60, thì rõ ràng vấn đề nhân sự cấp cao của BIDV vẫn sẽ còn là đề tài nóng.

Mặc dù vấn đề nhân sự có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của BIDV nhưng các cổ đông đã rất hài lòng khi tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 7%, bằng tiền mặt. Con số này có được là nhờ kết quả kinh doanh khả quan của BIDV năm 2016: Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản BIDV đạt 1.006.404 tỷ đồng, tăng 18,3% so với 2015. Nguồn vốn huy động đạt 940.020 tỷ đồng, tăng 21,1% so với 2015; Dư nợ tín dụng đạt 723.697 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 7.709 tỷ đồng, tăng 3,2% so với 2015. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì sang 2017.

Quý I/2017 dư nợ tín dụng BIDV tăng 4,85% so với đầu năm; Huy động vốn tăng 3,15% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 2.075 tỷ, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 27% kế hoạch. Giai đoạn 2017- 2022, BIDV sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế; Nâng cao năng lực tài chính; Hoàn thiện mô hình tổ chức; Triển khai công tác quản trị rủi ro, sẵn sàng áp dụng các chuẩn mực Basel theo quy định của NHNN vào năm 2018…

Về việc trả cổ tức cho cổ đông lớn nhất: Nhà nước – vấn đề từng gây nhiều tranh cãi năm 2016, Lãnh đạo BIDV cho biết chưa nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính. Nếu nhận được yêu cầu thì BIDV sẽ chia cổ tức 7% tiền mặt trong quý II/2017. Điều này có nghĩa, BIDV không tính đến phương án xin giữ lại phần cổ tức này để tăng năng lực tài chính. Vậy còn phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược?

Năm 2014, BIDV đã từng dự kiến bán 30% vốn của mình cho tối đa hai nhà đầu tư (một nhà đầu tư chiến lược và một nhà đầu tư tài chính). Nhưng tại ĐHĐCĐ năm nay, ông Phan Đức Tú cho biết, NH vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nhưng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài rất khó. Hiện BIDV cũng đang hợp tác với một đối tác Nhật Bản.

Rất khó để tăng vốn nhưng Ban lãnh đạo BIDV cho biết, họ đang nỗ lực cao nhất để tăng được vốn trong năm nay. BIDV dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm 2017, từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn dự kiến sẽ tiến hành qua 3 đợt bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng; và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu BIDV có tính thanh khoản cao nhất so với các NHTMCP Nhà nuớc: Trung bình năm 2016 đạt 1,4 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn mức bình quân cổ phiếu niêm yết ngành Ngân hàng là 778 nghìn cổ phiếu/phiên.

Năm 2017, BIDV đặt mục tiêu: Huy động vốn tăng trưởng 16,5%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng ≤16%; Lợi nhuận trước thuế 7.750 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu<3%; Tỷ lệ chi trả cổ tức ≥7% và không thấp hơn lãi suất tiết kiệm 12 tháng VND; Tập trung triển khai Đề án tăng cường năng lực tài chính toàn diện, trong đó quyết tâm thực hiện các biện pháp tăng vốn điều lệ…

Hà An

Tags: #BIDV
Tin đọc nhiều