Vừa qua, Visa và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (CCVSA) đã khởi động chương trình Kỹ năng Quản lý Tài chính năm 2019 với nhiều chủ đề mới nhằm giúp giới trẻ giải quyết thách thức về kinh tế và tài chính của bản thân. Chương trình năm nay tập trung vào vấn đề của sinh viên với các khoản chi tiêu không cần thiết thông qua chủ đề “Cháy túi”. Ngoài các nội dung cốt lõi như lên ngân sách chi tiêu, tiết kiệm và chi tiêu thông minh, chương trình cũng đưa ra lời giải đáp cho các vấn đề “nổi cộm” như đảm bảo an ninh khi mua sắm trực tuyến, những điều cần lưu ý khi đặt bút ký kết hợp đồng hay quản lý tín dụng để tránh những khoản nợ nằm ngoài kế hoạch.
Với bài dự thi của mình, bạn Nguyễn Hà Phương Thanh đã ứng dụng “Dây thừng hãm chi” vào kế hoạch truyền thông. Theo bạn, trong giới trẻ hiện nay đang rộ lên trào lưu “rich kid” và sự cám dỗ của mạng xã hội. Chính vì vậy, không ít bạn trẻ đua nhau tiêu pha vào những món đồ hàng hiệu xa xỉ, những khoản chi không cần thiết khiến cho họ luôn ở trong tình trạng “cháy túi”. Để khắc phục tình trạng này, bài dự thi của bạn Phương Thanh nhấn mạnh việc tạo ra các hoạt động bổ ích để hướng dẫn các bạn “hãm chi” khoa học mà vẫn có thể sống vui vẻ và thoải mái nhất. Bạn đã đưa ra các giải pháp bằng việc chia sẻ câu chuyện xung quanh việc quản lý tài chính cá nhân qua hình thức Confession (Thổ lộ tâm tư) để gây sự chú ý, tò mò trong cộng đồng sinh viên với một viral video về tình trạng Rich Kid.
Dưới “lăng kính” rất nhiều sinh viên, nhóm Lonely đã nêu lên vấn đề thú vị - “Yêu nhau lắm, đau ví nhiều” trong giới trẻ. Tình yêu là điều không thể thiếu, nhưng làm sao vừa có thể yêu mà không phải lo lắng đến các khoản tình phí luôn khiến cho ngân sách của các bạn sinh viên trong tình trạng cạn kiệt? Các bạn trẻ này tập trung vào việc khai thác sức ảnh hưởng của các KOLs (người có ảnh hưởng) để tuyên truyền; đồng thời, tổ chức các roadshow tại các trường đại học với những trò chơi mang tính giáo dục tài chính. Hay như nhóm IT Supporter-Haui của các bạn Lưu Xuân Quyền, Lưu Quốc Đăng và Nguyễn Anh Thư lại đưa ra một vấn đề nan giải hiện nay về việc thuê phòng trọ. Chính vì vậy, nhóm bạn đã sử dụng công cụ “đèn pin thánh soi” để tự ghi hình một MV về những vấn đề khi ký hợp đồng, rồi tổ chức tư vấn cho sinh viên về việc thuê phòng trọ và chi tiêu thông minh.
Cuộc thi “Kỹ năng tài chính” đã ghi nhận nhiều ý tưởng của các bạn trẻ xoay quanh việc quản lý chi tiêu, từ đó củng cố thêm những khoản đầu tư cho tương lai. Các bài dự thi đưa ra nhiều phương án tiêu dùng thông minh và tiết kiệm với cách tiếp cận đa dạng, phong phú trên các kênh online, offline, hay qua các buổi tư vấn, chia sẻ thực tế… Rõ ràng, dưới góc nhìn của người trẻ, quản lý tài chính không còn là vấn đề khô khan, mà có thể được lan toả rộng rãi bằng những chiến dịch sáng tạo được thực hiện bởi chính thế hệ trẻ.
Trước đó, Visa đã khởi động chương trình năm 2019 cùng với sự ra mắt “Bộ dụng cụ phòng chống cháy túi” trên các kênh truyền thông trực tuyến nhằm truyền cảm hứng giúp sinh viên xây dựng kế hoạch tài chính. Bộ dụng cụ bao gồm 8 công cụ với các tính năng hữu ích, điển hình như “Bình chữa quáng” được sử dụng trong các trường hợp chi tiêu thiếu thận trọng, “Đèn pin thánh soi” để hỗ trợ đọc hợp đồng hiệu quả, “Mặt nạ bảo mật” giúp bảo vệ thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, ngày nay càng có nhiều bạn trẻ chọn cách mua sắm trực tuyến, nên Visa đưa một số chủ đề mới vào chương trình như việc đảm bảo an ninh bảo mật khi mua sắm trực tuyến hay các điểm cần lưu ý khi ký kết hợp đồng. Việc trang bị kỹ năng quản lý tài chính và chi tiêu trở nên hết sức cần thiết trong bối cảnh thương mại Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng. Các bạn sinh viên là đại diện cho giới trẻ Việt có tri thức, việc thay đổi nhận thức và nâng cao kỹ năng cho sinh viên sẽ góp phần làm lan tỏa thông điệp về quản lý tài chính, chi tiêu thông minh, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng xã hội hiện đại với xu hướng hội nhập toàn cầu.
Tuyết Anh