Băn khoăn khi đưa hộ kinh doanh vào Luật

09:33 | 17/10/2019

Thảo luận trực tiếp tại phiên họp, đa số các ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều chưa đồng tình với việc bổ sung nội dung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, cho rằng vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và cần có đánh giá tác động đầy đủ.

Luật hóa hộ kinh doanh là phù hợp thông lệ
Hộ kinh doanh có vị trí quan trọng
ban khoan khi dua ho kinh doanh vao luat
Ảnh minh họa

Cần thiết sửa đổi

Tại buổi họp ngày 16/10/2019 của phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Trình bày về nội dung của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 1 chương và 8 Điều. Điểm mới nhất của dự thảo này là đưa hộ kinh doanh vào Luật.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp hiện hành (khoản 2, Điều 212) đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có nội dung về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, các quy định này đến nay đã cho thấy một số khiếm khuyết như: Hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Các hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.

Vì thế, Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh. Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Đồng thời quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, bãi bỏ những hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…).

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Đây là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, một số ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; quy định về nhóm công ty. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Nhóm ý kiến khác đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Không đồng tình khi chưa đánh giá kỹ tác động

Thảo luận trực tiếp tại phiên họp, đa số các ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều chưa đồng tình với việc bổ sung nội dung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, cho rằng vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và cần có đánh giá tác động đầy đủ.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kinh doanh là quyền của công dân được pháp luật quy định. Người dân có quyền kinh doanh ngành nghề cảm thấy phù hợp, còn Nhà nước quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh bằng hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao người dân không thích chuyển sang doanh nghiệp? Trước khi luật hoá quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi đó.

“Khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì hộ kinh doanh cũng phải bảo đảm mọi thứ theo luật, như vậy thì cũng chưa hiểu tương lai phát triển của hàng triệu hộ kinh doanh sẽ như thế nào. Nên cần phải đánh giá tác động kỹ, tính toán kỹ về vấn đề này”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Trưởng Ban Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Túy cho rằng, bản chất luật đưa ra phải nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển là chính. Do vậy, nếu thấy chưa rõ, không khả thi không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi mà thay vào đó, có thể tiếp tục quy định bằng nghị định đã có.

Phát biểu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, khi đưa một chủ thể vào luật cần hết sức cân nhắc. Vì đây là Luật Doanh nghiệp và từ trước đến nay được dùng để điều chỉnh doanh nghiệp, nay đưa thêm hộ kinh doanh vào thì phải cân nhắc rất kỹ, có báo cáo đánh giá tác động. Trong khi đó, pháp luật của chủ thể không nhất thiết cứ phải đưa vào luật mới đảm bảo đầy đủ vì một số chủ thể hoạt động theo nghị định mà nghị định đó đã quy định đầy đủ, chi tiết, và quá trình thực hiện tốt thì không có vấn đề gì. Những bất cập xuất hiện thì có thể sửa ngay trong nghị định.

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng tới hơn 5 triệu hộ mà chưa có đánh giá tác động đầy đủ. “Chúng ta cần xác định cái nào rõ, thấy được và đánh giá tác động được thì bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đóng góp chung cho dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sửa đổi là cần thiết nhưng câu hỏi lớn nhất là chúng ta sửa luật này có giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay không? Sửa đổi luật để đảm bảo không còn những nội dung không còn tương thích với những luật ban hành mới gần đây hay những luật hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi chưa thấy nêu rõ các nội dung không còn tương thích với các luật khác. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu đảm bảo việc sửa đổi không tạo ra sự không tương thích mới, tránh tình trạng càng sửa càng mâu thuẫn.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều