Bao thanh toán bên mua: Vẹn cả đôi đường

12:40 | 14/02/2015

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa được NHNN cho phép triển khai thí điểm nghiệp vụ bao thanh toán các khoản phải trả của bên mua (hay còn gọi là phương thức thanh toán ghi sổ - open account).

bao thanh toan ben mua ven ca doi duong
Bà Đỗ Thụy Như Thùy

Với nghiệp vụ này, bên mua có thể hỗ trợ bên bán tiếp cận nguồn vốn lưu động một cách nhanh chóng với chi phí tài chính thấp, dựa vào những ưu thế sẵn có của mình. Đồng thời, thông qua đó, bên mua có thể tăng cường mối quan hệ ổn định và lâu dài với bên bán cũng như thiết lập nguồn cung ổn định. Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn với bà Đỗ Thụy Như Thùy (ảnh bên), Giám đốc Trung tâm thanh toán và tài trợ thương mại, HSBC Việt Nam về vấn đề này.

Đánh giá của bà về tình hình bao thanh toán các khoản phải trả của bên mua hiện nay?

Hiện nay, phương thức thanh toán ghi sổ trong thanh toán quốc tế rất phổ biến bên cạnh các phương thức thanh toán quốc tế truyền thống (L/C, D/P, D/A). Theo thống kê trên thị trường quốc tế, hình thức thanh toán ghi sổ chiếm đến 80%, trong khi L/C chỉ chiếm 20%. Đối với thanh toán trong nước thì phương thức thanh toán ghi sổ được áp dụng trong phần lớn các ngành hàng (hàng tiêu dùng, thức ăn gia súc, phân bón, xăng dầu...).

Người mua luôn yêu cầu được mua hàng trả chậm. Đồng thời, các nhà cung cấp, muốn đẩy mạnh việc bán hàng nên cũng sẵn sàng chấp nhận thời hạn trả chậm cho người mua. Vì vậy, nghiệp vụ mua lại các khoản phải trả của người mua là một giải pháp của ngân hàng nhằm tài trợ vốn cho người bán trên cơ sở uy tín của người mua.

bao thanh toan ben mua ven ca doi duong

Những lợi ích của nghiệp vụ này mang lại là gì?

Nhằm đáp ứng nhu cầu tài trợ chuỗi cung ứng của người mua và hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động cho người bán là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, Ngân hàng HSBC đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất giải pháp mua lại các khoản phải trả của người mua. Giải pháp này có cơ sở pháp lý là Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12.

Mua lại các khoản phải trả của người mua là một giải pháp tài trợ ngắn hạn cho phép người bán được nhận tiền bán hàng trước thời hạn thanh toán từ ngân hàng đối với những hóa đơn đã được chấp nhận thanh toán bởi người mua, cũng là khách hàng của Ngân hàng HSBC. Người mua có nghĩa vụ thanh toán những hóa đơn này khi đến hạn như cam kết với Ngân hàng HSBC.

Người mua trong nghiệp vụ này đa phần là những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, có tiềm lực tài chính mạnh. Việc đề nghị ngân hàng mua lại các khoản phải trả của mình là một trong những cách thức mà người mua có thể hỗ trợ người bán tiếp cận nguồn vốn lưu động một cách nhanh chóng với chi phí tài chính thấp, dựa vào những ưu thế sẵn có của mình. Đồng thời, thông qua đó, người mua có thể tăng cường mối quan hệ ổn định lâu dài với người bán và thiết lập nguồn cung ổn định cho mình.

Khác với người mua, người bán trong giao dịch này tương đối đa dạng, nhưng Ngân hàng HSBC chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh việc bán hàng theo phương thức trả chậm với các đối tác chiến lược, mặt khác, đảm bảo tuân thủ đúng định hướng tăng trưởng tín dụng của Chính phủ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, giải pháp tài trợ các khoản phải trả của người mua sẽ góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng HSBC nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Làm thế nào để thúc đẩy hình thức này phát triển và HSBC dự định sẽ có những chương trình hỗ trợ gì để các doanh nghiệp hiểu về dịch vụ này?

Việc tài trợ dựa trên các khoản phải trả của người mua đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có đặc điểm phát triển kinh tế tương đồng như Việt Nam và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sở tại.

Cùng với việc Ngân hàng HSBC được cấp phép thực hiện nghiệp vụ mua lại các khoản phải trả của người mua, chúng tôi tin tưởng sẽ mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thông qua những lợi ích do giải pháp này mang lại.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành gặp gỡ, đối thoại với những khách hàng tiềm năng (người mua) cũng như các đối tác chiến lược của họ (người bán) để giới thiệu sâu hơn về giải pháp tài trợ này. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý và ban hành chính sách trong việc đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, nhằm đảm bảo giải pháp đi đúng định hướng của Chính phủ và mang tính thực tiễn cao.

Thực hiện nghiệp vụ này có làm cho rủi ro trong hoạt động của HSBC tăng lên và ngân hàng sẽ có những biện pháp gì để phòng chống các rủi ro đó?

Khi đề xuất nghiệp vụ mua lại các khoản phải trả của người mua, HSBC đã nghiên cứu và lường trước những rủi ro liên quan, từ đó đưa ra những biện pháp để giảm thiểu các rủi ro đó. Cụ thể, một trong những rủi ro cơ bản của nghiệp vụ này là việc người mua không thanh toán hóa đơn khi đến hạn. Để hạn chế rủi ro này, mức độ tin cậy của người mua phải được đánh giá và phê duyệt theo đúng quy trình nội bộ của HSBC. Đồng thời, nghĩa vụ thanh toán vô điều kiện của người mua phải được quy định rõ trong hợp đồng mua lại các khoản phải trả…

Xin cảm ơn bà!

Đỗ Lê thực hiện

Tin đọc nhiều