Tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, tội phạm tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang là mối nguy cơ rủi ro cho an ninh tài chính, tiền tệ.
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc mất tiền liên quan đến tài khoản ngân hàng khiến cho khách hàng hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngành Ngân hàng. Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng phòng 4 (A05 Bộ Công an) cho biết, trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Theo đại diện Bộ Công an, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, đồng thời triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, song những phương thức, thủ đoạn lừa đảo tấn công an ninh mạng ngày càng tinh vi khiến nhiều người vẫn sập bẫy. Các nhóm đối tượng tội phạm hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ để tấn công người dùng. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Ngoài ra, việc người dùng mạng xã hội thiếu cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.
Trước thực trạng tội phạm mạng ngày càng gia tăng, ngành Ngân hàng đã tích cực thực hiện nhiều công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Trong những năm qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin. Đồng thời, NHNN cũng phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán. Đặc biệt, Quyết định 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7 với yêu cầu giao dịch chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần, hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày, bắt buộc phải xác thực sinh trắc học... Các chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn, có ý nghĩa thiết thực và bắt buộc phải làm.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chỉ ra điểm nhấn quan trọng của Quyết định 2345: Kẻ gian rất khó để thực hiện việc lấy cắp tiền trên tài khoản của khách hàng trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày, vì lúc này lệnh chuyển tiền không chỉ yêu cầu có mã OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt trùng khớp với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng. Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch chủ tài khoản phải vào xác thực khuôn mặt, vì thế người đi thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản cho thuê.
Hiện các ngân hàng đang tăng tốc triển khai tính năng xác thực sinh trắc học với dữ liệu là khuôn mặt. Đơn cử như TPBank hoàn tất áp dụng xác thực khuôn mặt trước 10 ngày. Theo đó TPBank đã hoàn thành thủ tục xác thực khuôn mặt bảo vệ tài khoản khi giao dịch cho tất cả khách hàng từ ngày 20/6 nhờ hệ thống chuẩn hóa và đa kênh thu thập. Lãnh đạo OCB cho biết, đến nay lượng khách hàng đăng ký sinh trắc học đã chiếm tỷ lệ lớn thông qua nền tảng ngân hàng số OCB Omni 4.0 vừa ra mắt. Việc ngân hàng có kho dữ liệu sinh trắc học này khiến nhóm tổ chức tội phạm rất khó và gần như không thể thực hiện được việc giả mạo khách hàng khi giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng/lần. Hiện nay, đã có 60 TCTD triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy, 49 TCTD thực hiện xác thực căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Vấn đề đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật cần được các TCTD, kể cả các ví điện tử, trung gian thanh toán tích cực triển khai. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử đã tăng mạnh trong thời gian qua, các hình thức gian lận mới xuất hiện và ngày càng tinh vi hơn, gây ra nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng. Chính vì vậy, việc tăng cường an ninh thông tin và đảm bảo an toàn thanh toán là rất quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh việc các ngân hàng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin NHNN cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, tuân thủ đúng các hướng dẫn về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn.
Nguyễn Minh