Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính

11:08 | 20/01/2021

Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính (NTDTC) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ổn định tài chính và tài chính toàn diện.

Một khuôn khổ bảo vệ NTDTC hiệu quả là điều kiện cần thiết để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho họ có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Đây là một trong những phương thức giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào khu vực tài chính chính thức, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính.

bao ve nguoi tieu dung su dung dich vu tai chinh
Agribank định hướng phát triển lấy khách hàng là trọng tâm

Thực tế tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền lợi NTDTC hiện có liên quan đến 4 cơ quan là NHNN, Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ NTDTC. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc, vì vậy việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính vẫn khá lúng túng.

Là một NHTM có quy mô, mạng lưới lớn nhất hệ thống, Agribank tích cực thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu thúc đẩy tài chính đi đôi với an toàn, hiệu quả, bền vững, đồng thời bám sát định hướng phát triển lấy khách hàng là trọng tâm. Cụ thể hóa mục tiêu đó, thời gian qua, Agribank đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính ngân hàng của khách hàng, cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.

Agribank đã tích cực đa dạng hóa hệ thống sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng nhằm đem đến sự lựa chọn tối ưu, đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng. Các sản phẩm dịch vụ của Agribank đều được thực hiện công khai, minh bạch, thông tin chính xác, đảm bảo cạnh tranh công bằng. Đặc biệt, ngân hàng đã nâng cấp hệ thống công nghệ, triển khai các giải pháp bảo mật nhiều lớp, an toàn hệ thống để bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank cũng liên tục đổi mới quy trình hoạt động, thực hiện hiệu quả chính sách khách hàng, nâng cao công tác quảng bá, tiếp thị, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng.

Thời gian tới, để nâng cao hiểu biết và kiến thức tài chính cho cộng đồng, giúp người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiệu quả hơn; đồng thời, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, góp phần triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện, Agribank đã đưa ra một số đề xuất giải pháp đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.

Đó là hoàn thiện khung pháp lý chính sách bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể hóa chính sách đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Thực tế cho thấy, hành lang pháp lý liên quan đến các hoạt động tài chính trực tuyến, thương mại điện tử cần hoàn thiện theo hướng chi tiết, cụ thể hơn. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngân hàng, người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng, các dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại trong thực hiện tài chính toàn diện như chính sách phí, ưu đãi thuế, cơ chế tài chính cho phép đơn vị cung ứng dịch vụ công được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử, xem xét mức giá cước tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, NHNN nhằm tăng cường hơn nữa để quản lý hiệu quả, hỗ trợ đảm bảo an toàn, an ninh mạng và ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong triển khai các phương thức thanh toán điện tử, thanh toán xuyên biên giới… của ngành Ngân hàng. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về lợi ích, chi phí, rủi ro, phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính; các chương trình truyền thông giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng tài chính, đặc biệt các công cụ quản trị rủi ro, bảo hiểm, cho thuê tài chính… cho người sản xuất nông nghiệp…

“Các bộ, ngành, NHNN, tạo điều kiện thuận lợi cho Agribank – NHTM chủ lực trong thị trường tài chính nông thôn trong quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ, kết nối hợp tác với các đơn vị bảo hiểm xã hội, chi trả ngân sách nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công… để triển khai và cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng khả năng tiếp cận đến các sản phẩm dịch vụ tài chính chính thức và an toàn qua ngân hàng của khách hàng tại khu vực này”, đại diện Agribank đề xuất thêm.

Agribank tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng, việc bảo vệ NTDTC tại Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hoàn thành các mục tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra.

Nguyễn Quỳnh

Tin đọc nhiều