Basel III giúp ngân hàng đứng vững trước khủng hoảng
Trong khoảng hai năm gần đây, sau khi thực hiện theo Thông tư 41 của NHNN – tương đương trụ cột I về vốn của Basel II, một số ngân hàng cũng dần đáp ứng hai trụ cột còn lại về đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP) và minh bạch - kỷ luật thị trường. Không dừng lại, số ít đơn vị bắt đầu thí điểm và triển khai từng phần Basel III – với những tiêu chuẩn cao hơn ở phạm vi nội bộ ngân hàng. Trong cuộc đua này, TPBank đã trở thành người tiên phong, đơn vị đầu tiên hoàn thiện và đáp ứng toàn bộ các chuẩn mực của Basel III.
Nếu mục tiêu của Basel I, II là nâng cao chất lượng, sự ổn định hệ thống của ngân hàng và áp dụng thông lệ quốc tế, thì Basel III hướng tới khắc phục những hạn chế về quy định vốn, siết chặt quản trị, tăng sức chống chịu của ngân hàng trước rủi ro hệ thống. Điểm nhấn của Basel III là giảm thiểu sự tác động tiêu cực của rủi ro hệ thống đến hoạt động của ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng có thể cải thiện khả năng chống chịu, ứng phó, tự giải thoát trước khủng hoảng tài chính mà ít cần nhờ đến gói cứu trợ từ Chính phủ.
Các tiêu chuẩn về vốn tại Basel III đòi hỏi các ngân hàng giữ vốn nhiều hơn và chất lượng cao hơn so với mức vốn theo quy định của Basel II. Phạm vi rủi ro cũng được mở rộng, gồm nâng cao các tiêu chuẩn quản lý rủi ro tín dụng đối tác (CCR). Ngoài ra, hiệp ước này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về mức độ công bố thông tin và quy định về định chế có ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Tiêu chuẩn của Basel III được quốc tế khuyến nghị áp dụng toàn diện từ 1/1/2023. Trên thế giới, các ngân hàng tại châu Âu và Mỹ đã sớm áp dụng Basel III. Do đó, việc có đơn vị đầu tiên đáp ứng toàn bộ bộ tiêu chí này là dấu hiệu tích cực cho thấy TPBank nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam đang dần tiệm cận chung với chuẩn của quốc tế, nâng cao vị thế trong mắt tổ chức nước ngoài.
Đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn nói riêng và tiêu chuẩn quốc tế từ lâu đã trở thành định hướng của TPBank. Từ năm 2015, ngân hàng bắt đầu quan tâm tới Basel III và tự nghiên cứu trong nội bộ về quản lý rủi ro thanh khoản, tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng và tỷ lệ đòn bẩy. Khi NHNN lựa chọn một số Ngân hàng để áp dụng sớm Thông tư 41, dù không nằm trong diện thí điểm TPBank vẫn thuộc nhóm dẫn đầu hoàn thiện. Ngân hàng này cũng là một trong hai tổ chức tín dụng đầu tiên đáp ứng toàn bộ 3 trụ cột của Basel II trên thị trường.
Mục tiêu rõ ràng, hành động nhanh và quyết liệt
“Từ cuối năm 2020, TPBank đã triển khai các cấu phần còn lại của Basel III và đặt mục tiêu đáp ứng trọn vẹn hiệp ước vào đầu tháng 10/2021”, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank nói và cho biết: “Điều đó giải thích lý do ngân hàng hoàn thiện các tiêu chuẩn Basel III trong thời gian ngắn sau khi triển khai toàn diện Basel II vào đầu năm trước.”
Vấn đề vốn là thách thức lớn nhất của ngân hàng khi đáp ứng các cấu phần của Basel III. Trong những năm gần đây, TPBank đã tích lũy nguồn lợi nhuận sau thuế nhằm nâng cao năng lực vốn và cân đối chia cổ tức bằng cổ phiếu, tối ưu được lợi ích cho cổ đông và cả ngân hàng.
Vừa qua, TPBank đã hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 33.000 đồng/cổ phiếu, thu ròng hơn 3.280 tỷ đồng. Vốn điều lệ nâng lên 11.716 tỷ đồng, vốn tự có tăng lên 26.000 tỷ đồng. Kết quả phát hành giúp củng cố thêm nền tảng vốn, đồng thời cũng cho thấy niềm tin của cổ đông với sự phát triển của ngân hàng trong tương lai.
Hệ số an toàn vốn (CAR) sau khi hoàn tất tăng vốn đạt 13,43%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do NHNN quy định và cũng cao hơn tiêu chuẩn 10,5% của Basel III. Trong 9 tháng đầu năm, TPBank thực hiện 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản ở mức 260.328 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và vượt hơn 4% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu được cải thiện về mức 1,02%, giảm so với mức 1,1% cuối tháng 6. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE lần lượt là 2% và 22,6%, trong nhóm các ngân hàng cao nhất tại Việt Nam.
Với việc đáp ứng Basel III và các chỉ số hiệu quả kinh doanh trong nhóm đầu ngành, TPBank sẽ được các tổ chức nước ngoài, thể chế tài chính quốc tế, nhà đầu tư ngoại đánh giá cao hơn, từ đó tạo được niềm tin và vị thế trên thị trường. Với nền tảng này, ngân hàng có cơ hội tiếp cận được những nguồn vốn rẻ hơn từ các tổ chức, cũng như tiếp cận rộng hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
“Một ngân hàng tốt, không chỉ cho vay giỏi mà huy động vốn cũng phải giỏi. Khi tìm kiếm các nguồn vốn từ các định chế tài chính ngoại, xây dựng niềm tin từ việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, có thể giúp ngân hàng nhận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Bên cạnh Basel III, TPBank thông báo đã đáp ứng tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9. Ngân hàng đã thực hiện rà soát toàn bộ yêu cầu của Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS (gồm 41 chuẩn mực Kế toán quốc tế - IAS và 16 chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS) với chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS, từ đó xác định ra các khác biệt và các bút toán chuyển đổi để lập báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn IFRS.
Kế hoạch tiếp theo, lãnh đạo TPBank cho biết ngân hàng sẽ hướng đến các chuẩn mực cao hơn như Basel IV. Đồng thời, nhà băng này cũng song song triển khai định hướng chuyển đổi số xuyên suốt. Các dự án lớn như Data Warehouse, Metadata, xây dựng các Datamart, khai thác dữ liệu lớn BigData… đã được TPBank triển khai từ rất sớm và đang phát huy hiệu quả. Ngân hàng cũng ứng dụng Robot quy trình tự động, Trí tuệ nhân tạo, Máy học… trong việc xây dựng các mô hình tổn thất tín dụng và nâng cao hiệu quả của quy trình thu thập và xử lý dữ liệu, thông tin.
Với nền tảng vốn, năng lực hiện hữu và tư duy chủ động đi trước đón đầu, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo, TPBank được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu quá trình vươn ra nền tài chính thế giới – đúng như ý nghĩa tên gọi của ngân hàng – Tiên Phong.
Đỗ Phạm