Bắt tay đẩy vay tín chấp

09:41 | 24/08/2017

NHTM và DN đang tích cực hợp tác với nhau tìm tiếng nói chung để vừa khơi thông tín dụng cho DN vừa tăng trưởng tín dụng hiệu quả cho NH

Minh bạch nhiều, tín chấp tăng
Ra mắt thương hiệu vay tín chấp vay nhanh VPBank
Tín dụng tín chấp: Chỉ có thể tăng từ từ

Tăng gói vay thấu chi

Hiện nay, đối với vay tín chấp, các NH đã có sự cởi mở hơn trước khi hàng loạt gói tín dụng không yêu cầu tài sản đảm bảo được đưa ra thị trường. Như mới đây, OCB vừa triển khai sản phẩm thấu chi dành cho DN, hạn mức tối đa 3 tỷ đồng bao gồm cả thấu chi có hoặc không có tài sản đảm bảo giúp khách hàng dễ dàng có nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh nhất là vào những lúc cao điểm. OCB cũng cho biết khi vay thấu chi, DN được giảm tối đa lãi vay qua hệ thống thu vốn vay tự động mỗi ngày với lãi suất, phí cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Techcombank hỗ trợ các nhà phân phối tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh trong hoạt động. Hạn mức được cấp không phụ thuộc tài sản đảm bảo là bất động sản mà dựa trên phương án kinh doanh của DN. ABBank công bố DN không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần tài sản vẫn có thể vay đến 3 tỷ đồng hoặc 10% doanh thu. VPBank cũng có chương trình cấp tín dụng không tài sản đảm bảo dành cho DN xuất nhập khẩu với hạn mức tín dụng tối đa 5 tỷ đồng thông qua các phương thức như cho vay, phát hành L/C, bảo lãnh, thẻ tín dụng.

bat tay day vay tin chap
DN và NH đang nỗ lực khơi thông dòng vốn tín chấp

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, dư nợ tín dụng đối với các DNNVV đã đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các TCTD, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016.

Tuy nhiên, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho biết, trong nhiều năm qua, con số khoảng 70% DNNVV chưa tiếp cận được vốn tín dụng vẫn chưa thể giảm xuống được. Tổng dư nợ của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay gần 4 triệu tỷ đồng, là điều không tương xứng khi mà các DNNVV đang chiếm 97% tổng số DN tại Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, việc các NH đưa ra các gói vay tín chấp thấu chi cũng mang lại tín hiệu đáng mừng cho các DNNVV.

Chuyện khó tiếp cận vốn đang giảm dần

Trong một hội thảo trao đổi về vay vốn của DNNVV mới đây, giám đốc một DN xuất khẩu hạt tiêu chia sẻ: Năm 2015, ông cùng Cục Xúc tiến thương mại sang Đức đàm phán với đối tác ký được hợp đồng xuất khẩu sau một thời gian dài chăm sóc, thuyết phục khách hàng. Nhưng khi mang bộ chứng từ chiết khấu DP tới NH đã từng làm việc để vay vốn, ông đã bị NH từ chối cho vay. Sau đó, ông đưa thêm tài sản thế chấp trị giá 10 tỷ đồng vào để vay vốn nhưng NH chỉ cho vay 4,7 tỷ đồng, không đủ vốn để thực hiện hợp đồng. Cuối cùng ông đã mất hợp đồng đó vì không vay được đủ vốn thực hiện và từ đó công ty mất uy tín hoàn toàn với đối tác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc vay vốn của vị giám đốc trên đã dễ dàng hơn rất nhiều. Theo vị này, nhiều NH đã liên lạc hướng dẫn để ông có thể tiếp cận vay vốn dễ dàng hơn, thậm chí là vay tín chấp thay vì thế chấp như trước đây. Theo đó, ông không cần phải gom góp tiền từ người thân, bạn bè mỗi dịp cao điểm.

Một DN hợp tác xã khác cũng cho biết, Nghị định 55 của Chính phủ hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông nghiệp nông thôn, cho vay tín chấp tối đa 3 tỷ đồng nhưng dù có cố gắng trước đây Hội cũng không thể kéo nguồn này về hỗ trợ các thành viên. Nhưng nay, nhiều NH ngỏ ý mở cửa cho vay như Techcombank, MB, VIB, Maritime Bank với lãi suất khá ưu đãi. Đồng thời, các NH cũng hứa tham gia hỗ trợ cho vay theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra căn cứ trên hợp đồng hợp tác.

Có điều, các DN cũng thừa nhận hiện đa số các DN tiếp cận vốn tín chấp vẫn là những DN lớn có tiềm lực, còn khối DNNVV khát vốn tín chấp rất khó vay, vì vậy những chương trình hỗ trợ của NH thời gian qua chưa có nhiều ý nghĩa với khối DN này.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Khối DNNVV của một NHTM cho biết, lý do nhiều NH đang tập trung vào sản phẩm cho vay này vì cho vay món nhỏ sẽ phân tán được rủi ro và hình thức cho vay thu được lợi nhuận tốt. Bởi, cho vay ngắn hạn nhưng lãi suất thấp nhất cũng 7-8%/năm hoặc thậm chí có thể lên đến 12-15%/năm vì cho khách hàng vay không có tài sản đảm bảo có rủi ro khá lớn. Tuy nhiên, muốn vay tín chấp, DN phải đạt được các điều kiện NH đưa ra như phải có thời gian thành lập và hoạt động gần nhất tối thiểu 2 năm, trong 2 năm gần nhất có lợi nhuận và không mất cân đối vốn, không có nợ xấu tại bất kỳ NH nào trong 3 năm gần nhất…

Với nhiều điều kiện đặt ra để tránh rủi ro nên thực tế dù nhiều NH có chương trình hỗ trợ vay tín chấp và có rất nhiều DN muốn vay vốn nhưng không phải DN nào cũng vay được. Hơn nữa, hiện nay, mức độ tin tưởng tín chấp của các NH đối với DN Việt Nam nói chung vẫn còn thấp, thể hiện qua hạn mức tín dụng chỉ dừng lại ở mức phổ biến từ 1-3 tỷ đồng.

Do vậy, để các gói giải pháp hỗ trợ những DNNVV từ NH thì DN phải chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ vay và khả năng trả nợ để thời gian thẩm định cho vay không bị kéo dài. Bên cạnh đó, đa số các NH công bố lãi suất cho vay tín chấp DN chỉ khoảng 8 – 9%/năm, nhưng khi tiến hành thẩm định kế hoạch kinh doanh thì các DN lại chưa đủ điều kiện tốt để NH cho vay lãi suất thấp.

Do vậy, muốn dòng vốn tín chấp đến với DN, hai bên phải tích cực hợp tác với nhau để tìm tiếng nói chung nhằm đạt được hai mục đích, khơi thông tín dụng cho DN và tăng trưởng tín dụng hiệu quả cho NH.

Thiên Minh

Tin đọc nhiều