Bền bỉ với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp

13:00 | 05/12/2019

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có thể vẫn sẽ khó cán đích, song chắc chắn sẽ là nền tảng vững chắc để khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đủ sức sống khoẻ và trụ vững trên thị trường.

Thời điểm hiện tại, có thể khẳng định các chỉ tiêu lớn của năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2020 sẽ sớm cán đích và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trong bức tranh xán lạn của nền kinh tế, vẫn không thể bỏ qua một khoảng tối khó khắc phục trong mấy năm trở lại đây, đó là tình hình phát triển doanh nghiệp.

ben bi voi muc tieu 1 trieu doanh nghiep
Ảnh minh họa

Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01/2020 tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 tổ chức hôm đầu tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế tự cường, phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm… Lời hối thúc của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ còn 1 năm nữa là chạm mốc thời gian đặt ra, song nhiều khả năng mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy để hoàn thành mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, bình quân mỗi năm tiếp theo phải có khoảng 150.000 doanh nghiệp gia nhập và trụ vững trên thị trường. Thực tế các năm qua cho thấy, điều này chưa từng xảy ra.

Bởi trong giai đoạn 2016- 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong giai đoạn này trung bình khoảng 81.600 doanh nghiệp/năm và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động trung bình khoảng gần 28.800 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp thực sự ra đời và tồn tại được chỉ đạt gần 70.000 doanh nghiệp mỗi năm.

Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh/tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm có xu hướng tăng lên, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 63,85%. Như vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng tăng nhanh.

Với tốc độ khai sinh rồi rời bỏ thị trường chóng vánh như vậy, tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân không cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Với thực tế đó thì khả năng khu vực này đạt mục tiêu 50% GDP vào năm 2020 cũng sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự thay đổi đột biến.

Hiện nay, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng chưa có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong xuất khẩu; năng lực khoa học - công nghệ còn thấp; phần lớn không đủ khả năng tham gia vào mạng sản xuất và các chuỗi giá trị toàn cầu… Cũng trong năm 2019, đã có nhiều ngành hàng kêu cứu khi cánh cửa hội nhập rộng mở hơn, khiến sức ép cạnh tranh tăng lên giữa giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư để giảm nhẹ các áp lực thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, về cơ bản các quá trình cải cách vẫn đang nằm trên phương án hoặc dự thảo của các Bộ; hoặc chỉ dừng lại ở động thái xóa bỏ rào cản, chưa được cụ thể hoá thành những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Chính vì tình trạng cải cách không đồng tốc này, môi trường kinh doanh Việt Nam sau một thời gian liên tục thăng hạng, gần đây đã bắt đầu có những pha trồi sụt điểm số ở một số lĩnh vực trong năm 2019. Điển hình là Chỉ số khởi sự giảm 11 bậc, từ hạng 104 năm 2018 xuống hạng 115 năm 2019; Chỉ số cấp giấy phép xây dựng tụt 4 bậc, từ vị trí 21 năm 2018 xuống vị trí 25 năm 2019 (năm 2017 xếp hạng 20); Chỉ số đăng ký tài sản giảm 4 bậc, từ vị trí 60 năm 2018 xuống vị trí 64 năm 2019 (năm 2017 ở vị trí 63); Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số giảm 8 bậc, từ vị trí 89 xuống vị trí 97 năm 2019…

Thực tế đó cho thấy công tác cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2020 và những năm tiếp theo cần có những động thái quyết liệt hơn. Có thể thấy sự quyết tâm và những nỗ lực bền bỉ của Chính phủ đang được chuyển hoá thành những quyết sách cụ thể. Đơn cử như Nghị quyết số 69/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 8/2019 ngày 13/9/2019 đặt ra nhiệm vụ đối với cải cách hành chính là phải đảm bảo nguyên tắc “Khi ban hành một văn bản mới (văn bản quy phạm pháp luật hoặc hành chính) phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp”. Còn đối với Nghị quyết 01/2020, Thủ tướng cho biết, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Tư pháp làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ để rà soát lại các điểm, quy định ràng buộc, chồng chéo, không còn phù hợp để sửa đổi, không nói chung chung là thể chế, mà cần chỉ rõ điểm nào, mục nào, điều mấy.

Những nỗ lực bền bỉ này hứa hẹn sẽ sớm mang lại những cải cách đồng bộ cho môi trường kinh doanh. Qua đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có thể vẫn sẽ khó cán đích, song chắc chắn sẽ là nền tảng vững chắc để khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đủ sức sống khoẻ và trụ vững trên thị trường.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều