Bí quyết để quản trị DN xuất sắc là tạo ra những khoảng nghỉ

17:40 | 19/09/2019

Mới đây, tại diễn đàn Kết nối – Đổi mới sáng tạo với hơn 200 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tham gia, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank đặt vấn đề trong thời đại bùng nổ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa, DN cần làm gì để tồn tại và phát triển?

Tư duy mới trong quản trị, điều hành

Theo ông Hiếu, trước thực tế đó, đối với DN nhất là khu vực DNNVV không còn cách nào khác là bản thân mỗi DN phải tự đổi mới trong cả sản phẩm, dịch vụ và đổi mới cách thức quản trị DN. Người chủ DN không nhất thiết phải tự tay làm mọi việc mà là phải biết khơi gợi cái mới, khích lệ sự sáng tạo cho người lao động. Người chủ DN cần tạo ra những khoảng nghỉ, để nhân viên có thời gian sáng tạo cái mới…

bi quyet de quan tri dn xuat sac la tao ra nhung khoang nghi

Ông Hiếu cho rằng, bí quyết để quản trị DN, quản trị xuất sắc là tạo ra những khoảng nghỉ, càng nhiều càng tốt để rút kinh nghiệm và đưa ra các bài học. Ở mỗi khoảng nghỉ hãy tự hỏi: Mình đã làm tốt điều gì, chưa làm tốt điều gì và bài học kinh nghiệm rút ra là gì?

Nếu mỗi người trong DN, mỗi tuần rút ra được 3 bài học, thì mỗi tháng sẽ có 12 bài học, mỗi năm sẽ có hơn 100 bài học và toàn bộ 100 người trong DN sẽ có hơn 10.000 bài học sáng tạo. Đó là vũ khí cạnh tranh của DN.

Bên cạnh đó, CEO của ABBank cũng nêu ra một thực trạng, hiện rất nhiều DN; đặc biệt là DNNVV chưa quan tâm chú trọng đến việc tiếp cận thông tin từ bên ngoài, thông tin thị trường, còn hoạt đông theo mô-tuyp gia đình. Thậm chí e ngại trong tiếp xúc… Đây là vấn đề cần thay đổi thì DN mới có thể phát triển và thích ứng với xu thế thế giới phẳng hiện nay.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Khánh Vân, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng cho rằng, để phát triển, DN cần năng động trong cách tiếp cận thông tin. Đồng thời, cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực.

Bà Vân phân tích, trong bối cảnh thị trường lao động chất lượng cao đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vấn đề này đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực từ dịch vụ du lịch, bán hàng, ngân hàng và cả trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế... Do đó, nhân viên trong DN dễ nảy sinh tâm lý đứng núi này trông núi nọ, không chuyên tâm trong công việc. Nếu người chủ DN không nhanh nhạy, đổi mới cách thức quản lý điều hành thì chắc chắn sẽ mất nhân viên. Vậy nên, DN cần phải đổi mới tư duy quản trị, thu hút, khuyến khích nhân viên làm việc, cần tạo môi trường làm việc sáng tạo và tạo cho người lao động có niềm tin về chính DN họ đang làm việc. Bởi niềm tin và tiềm năng của người lao động sẽ phát huy theo tỷ lệ thuận…

Kết nối để cùng phát triển

Tuy nhiên, ở góc độ DN, ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Công ty Thương mại – Dịch vụ Hân Thịnh Phát cho rằng, để sống còn với thị trường, mỗi DN phải chủ động, đổi mới cách làm, cách tiếp cận thị trường để phát triển. Song trong cách quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề chồng chéo nhau; thủ tục văn bản còn rườm rà... Vô hình trung, những văn bản quy định pháp luật chồng chéo lại trói chân DN. Do đó, để DN phát triển bền vững, có những đóng góp cho địa phương và xã hội cần sự quan tâm của chính quyền trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…

Về góc độ quản lý Nhà nước, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch danh dự Hội DN quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho rằng, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 xác định rõ: “Tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, TP. Đà Nẵng và chính quyền địa phương, thông qua các chính sách và hoạt động kết nối, nhằm kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0, mô hình quản trị kinh doanh mới, hướng đến kết quả làm việc xuất sắc cho DN…

Theo ông Sơn, hiện quận Cẩm Lệ, có hơn 3.700 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có 5.497 hộ kinh doanh cá thể đã giải quyết một lượng lớn lao động. Khu vực này đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách nhà nước của quận. Thực tế, những nhà đầu tư và DN trên địa bàn thực hiện thành công nhiều dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Do đó, là cơ quan quản lý nhà nước, UBND quận Cẩm Lệ thường xuyên phối hợp với các tổ chức kinh tế, các ngân hàng tổ chức các diễn đàn nhằm nâng cao kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để DN thảo luận, trao đổi và chia sẻ về kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng, các mô hình mới về tăng trưởng; quản trị DN. Đồng thời, tạo cầu nối để tạo sự liên kết giữa DN và ngân hàng trong việc tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cùng với đó, chính quyền địa phương sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ những vướn mắc thiết thực của DN liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Sơn khẳng định, thông qua các diễn đàn là dịp tốt để các cơ quan, ban, ngành, các DN trên địa bàn được kết nối, chia sẻ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn. Đồng thời, để học hỏi, chia sẻ kiến thức quản trị, các động lực tăng trưởng mới, kết nối các nguồn lực, nâng cao hiệu quả khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo của DN trong thời gian đến.

Bài và ảnh: Công Thái

Tin đọc nhiều