Bùng nổ nhà đầu tư ngoại mua cổ phần DN Việt

09:14 | 09/12/2019

Hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới sẽ còn tiếp tục gia tăng

M&A ngân hàng sắp có chuyển động mạnh
BIDV và KEB Hana Bank: Dấu mốc lịch sử giao dịch M&A ngân hàng
Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam qua M&A

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2019, có 3.478 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng đối với việc góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Một số chuyên gia nhận định, hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần của tập đoàn, DN nước ngoài có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nếu như năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78% và đến 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

bung no nha dau tu ngoai mua co phan dn viet
Hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới sẽ còn tiếp tục gia tăng

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, các DN luôn phải tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Trong đó, việc mở rộng môi trường đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua lại cổ phần là một trong những lựa chọn được ưu tiên bởi đáp ứng được tiêu chí đầu tư thận trọng khi thâm nhập vào thị trường mới của một số nhà đầu tư ngoại” – chuyên gia phân tích.

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ… Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chú trọng vào một số ngành nghề sản xuất kinh doanh, tiếp theo mới đến lĩnh vực dịch vụ, công nghệ.

Điều đáng quan tâm, trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, tính đến nay, các DN đến từ Hồng Kông hiện đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...

Khi đi phân tích kỹ hơn nguồn vốn “rót” vào thị trường Việt Nam từ Hồng Kông thời gian qua có thể thấy rõ lượng vốn chủ yếu tập trung vào việc mua bán, góp vốn mua cổ phần DN Việt với gần 4,1 tỷ USD. Trong đó, không thể không nhắc đến thương vụ đình đám trị giá 3,85 tỷ USD mua cổ phần của công ty TNHH Vietnam Beverage diễn ra đầu năm nay, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đến từ Hồng Kông. Ngoài ra, các DN Hồng Kông còn đầu tư 260 triệu USD làm Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (do Goertek (Hongkong) co., Limited); hay một DN khác của Hồng Kông cũng bỏ thêm 200 triệu USD nhằm phát triển công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử.

Đứng sau các nhà đầu tư Hồng Kông, nhiều DN Hàn Quốc cũng cho thấy rõ “tham vọng” lấn sân thị trường Việt Nam khi mạnh tay bỏ ra hàng trăm triệu USD mua lại cổ phần của DN Việt trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ ngân hàng cho đến bất động sản. Cụ thể, mới đây nhất, công ty KEB Hana Bank (Hàn Quốc) và BIDV và đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV. Theo đó, Ngân hàng BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Hay như trước đó, một DN khác của Hàn Quốc là Lotte Land cũng đã liên doanh “bắt tay” với Tập đoàn FLC để phát triển một dự án với quy mô 6,4 ha...

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thâm nhập, mở rộng thị trường tại Việt Nam thời gian tới sẽ còn tiếp tục gia tăng do các tác động từ những bất ổn địa-chính trị và thương mại trên thế giới... và các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến một môi trường đầu tư ổn định lâu dài.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều