Thêm nhiều “tân binh”
Đầu tuần qua, Công ty CP thanh toán G (GPay), trực thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group đã công bố khoản đầu tư ở vòng gọi vốn thứ nhất (series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỉ đồng. Thương vụ đầu tư này cũng là điểm sáng của thị trường Fintech và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngay dịp đầu năm mới 2021.
GPay mở hàng ngay dịp đầu năm mới 2021 |
Theo ông Nguyễn Thuần Chất - đồng sáng lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán G, ví điện tử này đặt mục tiêu cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính cho 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2023.
“Cùng với việc bổ sung thêm nguồn lực và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính từ nhà đầu tư Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc, GPay tin tưởng sẽ mang đến nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ cho người dân Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng nền tảng tài chính số và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Thuần Chất chia sẻ.
Là “tân binh” của sân chơi ví điện tử nên GPay chọn chiến lược đánh vào thị trường “ngách” khi tận dụng hệ sinh thái 30 triệu người dùng sẵn có của G-Group. Hiện tập Tập đoàn này đang có 8 công ty thành viên gồm nền tảng cho vay ngang hàng Tima, đơn vị cung cấp giải pháp truyền thông số Beat.vn, nền tảng kết nối cộng đồng gaming GTV, mạng xã hội Gapo, công ty an ninh mạng VSEC...
Bên cạnh Gpay, hiện tại, không ít fintech đang ấp ủ đưa ra các ví điện tử hay các hình thức thanh toán mới. Ông Lê Tánh, Tổng giám đốc VNPay cho hay, sau 2 năm nghiên cứu, năm 2021, VNPay sẽ tung ra thị trường hệ thống ví điện tử mới dựa trên nền tảng blockchain.
Trong khi đó, Viettel hay VNPT đang ngóng chờ từng ngày để được cấp phép mobile money. Nhiều fintech khác như Grab, Be Group cũng đang nuôi tham vọng lấn sân sâu hơn vào thị trường tài chính bằng việc gấp rút triển khai xây dựng ngân hàng số.
Sức nóng tăng cao
Cùng với sự góp mặt của các tân binh như Gpay, sức nóng của sân chơi ví điện tử ngày càng tăng khi các “cựu binh” như VNPay, Momo, Zalo Pay ngày càng lớn mạnh và có thị phần vững chắc.
Bất chấp dịch bệnh Covid-19, năm 2020 lại ghi nhận những kỷ lục và tin vui hiếm có cho thị trường fintech Việt Nam khi Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020 của Google và Temasek (Singapore) phát hành tháng 11/2020 khẳng định, VNPay đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ.
Là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực fintech, VNPay đã có bước tăng trưởng ấn tượng sau khi “bắt tay” với hàng chục ngân hàng Việt Nam xây dựng các ví điện tử sử dụng mã QR để thanh toán.
Trong khi đó, năm 2020, ví điện tử MoMo cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố sở hữu hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, đây là con số mơ ước của mọi fintech. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 5 năm qua, lượng khách hàng cá nhân của ví điện tử này đã tăng gấp 40 lần.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng Tổng giám đốc Ví MoMo cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hàng loạt các đối tác của MoMo đã phải nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức kinh doanh online.
Tính từ hồi phát sinh dịch, tháng 2/2020 đến nay, MoMo ghi nhận có hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia chuyển đổi lên nền tảng của MoMo. Con số này đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch.
Dẫn chứng cho sự tăng trưởng ngoạn mục của Momo, ông Tường cho hay: “Nếu trước đây để một đối tác kết nối với MoMo trở thành điểm chấp nhận thanh toán và đưa sản phẩm lên nền tảng (platform) phải mất đến 14 ngày, thì giờ đây việc đó chỉ diễn ra trong 10 phút. Trong thời gian tới, các đối tác còn có thể lên 1 giao dịch trên MoMo cho hơn 20 triệu người dùng với chỉ 3 phút”.
Cuộc đua ví điện tử ngày càng trở nên sôi động |
Không riêng gì Momo, hàng loạt ví điện tử khác như Moca, Zalo pay, AirPay... cũng đã có những thay đổi đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp dần chuyển đổi từ phương thức kinh doanh, bán hàng truyền thống sang hình thức online.
Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group, 49% người tiêu dùng thành thị tại khu vực Đông Nam Á là khách hàng của các ngân hàng thương mại đã sử dụng ví điện tử, dự báo tỷ lệ này sẽ đạt 84% vào năm 2025. Trên thực tế, ứng dụng ví điện tử tăng tốc nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức thanh toán kỹ thuật số và giao hàng tận nhà. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó sẽ thúc đẩy nhiều người dùng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số hơn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank khẳng định, các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Sân chơi khốc liệt
Dù sự nhộn nhịp của sân chơi ví điện tử là tín hiệu đáng mừng đối với lĩnh vực fintech Việt Nam nhưng điều này đồng thời cũng báo hiệu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này trong thời gian tới. Để thấy rõ điều này có thể làm phép so sánh, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 97 triệu dân nhưng đã có tới 37 ví điện tử của các trung gian thanh toán, chưa kể ví điện tử của các ngân hàng thì Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân nhưng lại chỉ có vài ví điện tử chiếm thị phần chi phối.
Với cuộc đua cạnh tranh thị phần khốc liệt, nhiều ví điện tử đã phải chọn hướng đi mới để tồn tại và giữ khách hàng. Trong hướng đi đó, việc liên kết với các sàn thương mại điện tử được các ví điện tử lựa chọn nhiều nhất để tăng tỉ lệ người dùng quay trở lại cũng như tăng khách hàng trung thành.
Đơn cử như từ tháng 11/2019, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM). Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay, Sendo có ví SenPay, Tiki hợp tác với ví điện tử MoMo.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, bắt đầu từ năm 2021, sau giai đoạn bùng nổ, thị trường ví điện tử nói riêng và fintech nói chung sẽ bắt đầu có các cuộc chạy đua về thành lập hệ sinh thái số, đồng thời thanh lọc lẫn nhau.
Những ví điện tử, fintech na ná giống nhau sẽ phải tìm hướng đi mới, xây dựng nên những “siêu ứng dụng” để tồn tại, nếu không muốn lao vào cuộc đua “đốt tiền” lãng phí.
Thái Hoàng