Cách mạng số dịch chuyển nhân sự ngân hàng

15:00 | 27/07/2018

Các nghiệp vụ kỹ thuật được tích hợp và được robot hóa, vì thế nhà băng chỉ còn cần nhân lực chất lượng cao, có tư duy phản biện, sáng tạo và sở hữu trí tuệ cảm xúc để làm các công việc mà máy móc không làm được

Nhân sự ngân hàng: Hứa hẹn làn gió mới
Nhân sự ngân hàng 2018: Thách thức chất lượng cao

Đòi hỏi trí tuệ cảm xúc

Tại Hội thảo “Nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trước cách mạng công nghiệp 4.0” vừa được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ở TP.HCM mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, với tốc độ phát triển nhanh của các nền tảng công nghệ số, trong những năm tới, ngân hàng sẽ là ngành chịu tác động mạnh nhất.

Theo đó, hàng loạt nhân sự của các ngân hàng sẽ được thay thế bằng người máy và các bộ não nhân tạo. Nhiều nghiệp vụ chính của các ngân hàng được tích hợp khiến cho lực lượng nhân sự tại các nhà băng trở nên dôi dư, các vị trí như giao dịch viên, kế toán, kho quỹ… không còn nhiều việc làm; trong khi đó lực lượng lao động làm việc ở các vị trí phân tích, dự báo, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật...sẽ trở nên thiếu hụt.

cach mang so dich chuyen nhan su ngan hang
Nghiệp vụ tuyển dụng và đào tạo tại các NHTM cần thay đổi để chọn lọc nhân sự đáp ứng xu hướng phát triển của tài chính - công nghệ

“Các nghiệp vụ kỹ thuật được tích hợp và được robot hóa, vì thế nhà băng chỉ còn cần nhân lực chất lượng cao, có tư duy phản biện, sáng tạo và sở hữu trí tuệ cảm xúc để làm các công việc mà máy móc không làm được”, ông Lực nói.

Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng HSBC cho rằng, khi trí tuệ nhân tạo thay thế con người ở những khâu nghiệp vụ chính, người nhân viên tại các ngân hàng có thể không cần thiết phải biết quá nhiều các nghiệp vụ về tiền và tài chính. Các nhà băng sẽ cần những con người làm việc ở các vị trí mới mà từ trước đến nay chưa có như: Chuyên viên thiết kế trải nghiệm thực tế ảo (chuyên thiết kế những giao diện 3D, cần các kỹ năng thành thục về thiết kế mỹ thuật, xây dựng thương hiệu); Chuyên viên thiết kế thuật toán (chuyên cập nhật, thiết kế và điều chỉnh các thuật toán để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng); Kỹ sư quy trình số (chuyên chẩn đoán các vấn đề của quy trình số để triển khai các giải pháp thử nghiệm)…

Ông Andrew Connell, Giám đốc bộ phận Kỹ thuật số - Khối Tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC cho rằng, trong những năm tới nhu cầu về kỹ năng đối với nhân sự ngành Ngân hàng không còn thuần túy là kiến thức nghiệp vụ tài chính nữa mà là những thứ mang chất “người” nhiều hơn đó là sự tò mò, sự sáng tạo và khả năng giao tiếp. “Càng về sau chúng ta sẽ càng thấy chỉ số cảm xúc (EQ) quan trọng nhiều hơn so với chỉ số thông minh (IQ). Những vị trí nhân sự làm việc ở các khâu đoạn có tính lặp đi lặp lại như giao dịch viên, nhân viên phòng nhập liệu… sẽ phải chuyển qua làm công việc tư vấn khách hàng. Khi đó khả năng kết nối, khả năng thuyết phục sẽ là những kỹ năng quan trọng”, ông Andrew nói.

Thay đổi nền tảng tuyển dụng và đào tạo

Trong khi nhu cầu về nhân sự của các ngân hàng có sự dịch chuyển như vậy, theo các chuyên gia, thị trường sẽ nhanh chóng xuất hiện những nền tảng tuyển dụng chuyên nghiệp đóng vai trò môi giới lao động.

“Các nền tảng tuyển dụng sẽ giúp người lao động kết nối, tương tác với các dữ liệu của DN hoặc nhà băng mà họ muốn ứng tuyển. Họ được sòng phẳng thể hiện mong muốn trong vị trí công việc mới. Trong khi đó, các ông chủ sẽ lựa chọn nhân sự bằng sự tinh tế trong quá trình tương tác tại hệ sinh thái tuyển dụng chứ không đơn thuần căn cứ vào bằng cấp hay các cuộc phỏng vấn kỹ năng nghiệp vụ”, đại diện tổ chức Navigos Group (chủ sở hữu các trang tuyển dụng VietnamWorks và Navigos Search) nhận định.

cach mang so dich chuyen nhan su ngan hang

Ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc vận hành (COO) của FPT cũng cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng nói riêng và các DN nói chung là khó dự đoán xu hướng để đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Ông Hà cho rằng, không chỉ các ngân hàng và các DN mà ngay cả các cơ sở đào tạo cũng đứng trước thách thức lớn vì không biết phải đào tạo cái gì để phù hợp với nhu cầu nhân lực trong 10-20 năm tới. “Trong vòng 10-20 năm nữa 70% các kỹ năng lao động hiện nay trang bị cho người lao động sẽ biến mất và sẽ có 80% các kỹ năng mới xuất hiện. Vậy trường học phải đào tạo cái gì để đáp ứng yêu cầu trên?”, ông Hà đặt câu hỏi.

Đáng chú ý, theo khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC, giai đoạn 2020-2025, ngành Ngân hàng truyền thống (kinh doanh chủ yếu dựa vào huy động vốn và cho vay) có thể sẽ dần dần biến mất. Khi đó, lĩnh vực chuyển tiền và thanh toán của các ngân hàng sẽ phải chia sẻ khoảng 28-30% thị phần cho các DN fintech. Ở các mảng khác như: quản lý tài sản và bảo hiểm, các công ty fintech cũng sẽ chiếm thị phần khoảng 21-22%.

Xu hướng này, theo PwC sẽ phát triển mạnh ở các quốc gia có nền tài chính lớn và chuyên nghiệp, sau đó lan rộng sang các khu vực đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này đồng nghĩa rằng, trong những năm tới, lực lượng lao động được đào tạo ở lĩnh vực công nghệ thông tin, và các khối tài chính – kinh tế, thay vì cạnh tranh vào làm việc tại các nhà băng thì sẽ phải dịch chuyển nhiều hơn sang các công ty tài chính và fintech.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu tại PwC khuyến cáo rằng, bản thân các sinh viên nhóm ngành tài chính – kinh tế sẽ phải tự trang bị các kỹ năng làm việc mới để phù hợp nhu cầu tuyển dụng của các DN hoạt động thiên về lĩnh vực tài chính – công nghệ hoặc các ngân hàng số thế hệ mới. Trong khi đó, đối với các NHTM, nếu muốn thu hút và giữ chân được người tài thì cũng cần thay đổi cách thức tuyển dụng, chế độ đãi ngộ. Bởi trong khoảng 5-10 năm tới khi xu hướng tự do hóa thị trường lao động toàn cầu phát triển mạnh, tình trạng khan hiếm lao động chất lượng cao ở khối ngành tài chính – ngân hàng sẽ ngày càng trầm trọng do lao động trong nước dịch chuyển sang các thị trường nước ngoài nhằm đáp ứng các nhu cầu về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều