Cách sử dụng thẻ tín dụng không rủi ro

09:26 | 07/05/2020

Ngoài việc để ý cách thức sử dụng thẻ, người dùng thẻ thông minh ở thời điểm này phải tính đến cả yếu tố lãi và phí.

Niềm vui của thị trường tài chính trong mấy tháng gần đây là người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ tăng đáng kể. Trong đó, hai cách thanh toán thẻ tín dụng phổ biến khi chi tiêu và mua sắm hàng hóa đó là quẹt thẻ trực tiếp tại điểm bán hàng và thanh toán online. Có điều, khi trao đổi với một số người mới sử dụng thẻ thì thấy rõ một điều là cách thanh toán bằng thẻ tín dụng không phải ai cũng biết rõ, gây ra những hiểu lầm không đáng có về dịch vụ này.

cach su dung the tin dung khong rui ro
Chọn đúng thời điểm giao dịch thẻ để không bị tính lãi, phí

Tuân thủ các bước thanh toán

Tính đến thời điểm này, đối với những người lần đầu sở hữu thẻ tín dụng, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng còn khá lạ lẫm. Thế nên, rất nhiều người lầm tưởng rằng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng gồm rất nhiều công đoạn phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn tất giao dịch; hay lo ngại về vấn đề lãi suất, phí… Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 này, giới chuyên gia tài chính cho rằng, những tư duy cổ hủ nêu trên nên loại bỏ hoàn toàn khỏi suy nghĩ của mỗi người. Bởi, dịch vụ tài chính thanh toán bằng thẻ là vô cùng cần thiết, cũng như quy trình thanh toán thẻ tín dụng lại rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian như bạn nghĩ.

Về hình thức, hiện nay chỉ có hai trường hợp tiêu biểu trong cách thanh toán thẻ đó là quẹt thẻ trực tiếp và thanh toán online. Đối với hình thức quẹt thẻ trực tiếp thì khi mua sắm, giao dịch hàng hóa hay dịch vụ, bạn sẽ thanh toán trực tiếp tại quầy tính tiền của các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ theo một số bước nhất định. Cụ thể, bạn mua sắm một món hàng bất kỳ và ra quầy tính tiền để thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bạn đưa thẻ tín dụng cho nhân viên thu ngân, nhân viên sẽ dùng thẻ của bạn quẹt lên khe cà thẻ của máy POS. Máy sẽ tự động trừ tiền trong hạn mức thẻ tín dụng của bạn để thanh toán cho món hàng bạn mua. Khi thanh toán xong, nhân viên thu ngân sẽ gửi bạn hóa đơn thanh toán. Bạn kiểm tra lại thông tin trên hóa đơn và ký tên xác nhận. Cuối cùng, bạn nhận lại thẻ tín dụng và hóa đơn từ nhân viên thu ngân của điểm bán hàng.

Hình thức thanh toán này vô cùng đơn giản nhưng ở thời đại công nghệ phức tạp như hiện nay, bạn phải vô cùng thận trọng và không cho phép người khác sao chép thông tin thẻ của mình. Thế nên, khi thanh toán bạn không nên để nhân viên thu ngân cầm thẻ tín dụng của bạn đi ra khỏi tầm mắt để tránh bị rò rỉ thông tin thẻ. Tốt nhất là bạn nên là người trực tiếp quẹt thẻ để thanh toán, đây là hình thức thanh toán tốt nhất để không xảy ra trường hợp mất tiền trong thẻ sau này.

Ngoài ra, để tránh rủi ro mất tiền phí oan, thì bạn phải để ý cả những thông tin trên hóa đơn thanh toán sau khi quẹt thẻ. Bởi ít người biết rằng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng qua máy POS là hoàn toàn miễn phí, việc thu phí chỉ áp dụng lên người sở hữu máy POS. Nhiều điểm bán hàng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để đưa mức phí này vào hóa đơn giao dịch. Do vậy, bạn nên lưu ý kiểm tra lại hóa đơn trước khi ký xác nhận để tránh những sai sót trong việc thanh toán cũng như tránh bị tính phí bất hợp lý.

Đối với cách thanh toán thẻ tín dụng online thì mọi thao tác do bạn chủ động với các bước thực hiện cũng rất đơn giản. Theo đó, khi bạn lựa chọn hàng hóa trên trang thương mại điện tử hay website bán hàng của các thương hiệu. Sau khi đặt hàng, website sẽ yêu cầu bạn nhập các thông tin cơ bản nếu như bạn chưa đăng ký thành viên gồm: Thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ giao hàng; Phương thức giao hàng, thời gian giao hàng; Phương thức thanh toán (chọn thanh toán bằng thẻ). Để thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ phải nhập một số thông tin cần thiết được in trên thẻ như số thẻ, CVC… Đây là những dữ liệu quan trọng, vì vậy bạn không nên lưu các thông tin này trên website mà bạn đăng nhập. Và cũng tương tự như quy trình thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng, khi thanh toán online bạn nên tính toán sao cho giá trị món hàng không vượt quá hạn mức chi tiêu của thẻ, nếu không giao dịch sẽ không thể thực hiện. Đồng thời, bạn chỉ nên mua sắm online trên những website uy tín để đảm bảo an toàn, tránh bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Kinh nghiệm là để được miễn lãi 45 ngày, người tiêu dùng phải thanh toán 100% dư nợ trên thẻ đúng thời hạn. Sau đó, mới tiếp tục mua sắm thì mới được miễn lãi

Bởi hiện nay, có rất nhiều trường hợp thông báo mất tiền từ thẻ tín dụng do bị đánh cắp thông tin khi thanh toán qua mạng. Tội phạm có thể lấy được thông tin chủ thẻ tín dụng bằng những thủ đoạn vô cùng tinh vi mà người tiêu dùng không thể lường trước được. Vì vậy, điểm cần nhắc lại vẫn là khi sử dụng thẻ tín dụng thanh toán, khách hàng cần tuyệt đối cảnh giác, không để lộ mã CVC/CVV.

Không lãi suất nếu biết tính toán thời điểm

Ngoài việc để ý cách thức sử dụng thẻ, người dùng thẻ thông minh ở thời điểm này phải tính đến cả yếu tố lãi và phí. Trên thực tế, khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn đang tiêu bằng số tiền đi vay trước của ngân hàng. Vậy nên khi đến hạn thanh toán theo quy định của ngân hàng, bạn cần hoàn trả đầy đủ số tiền đã chi tiêu để tránh bị tính lãi. Thông thường ngân hàng sẽ miễn lãi tối đa 45 ngày cho chủ thẻ tín dụng (gồm 30 ngày của chu kỳ sao kê và thêm 15 ngày ân hạn trả nợ). Bạn cần tận dụng thời gian được ân hạn để hoàn thành việc trả nợ cho toàn bộ giao dịch được thực hiện trong 30 ngày của kỳ sao kê.

Hiện có rất nhiều người than phiền rằng, họ vẫn thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn tại sao vẫn bị tính lãi? Hoặc chỉ nợ có một phần tiền nhỏ mà vẫn bị tính lãi trên tổng khoản nợ đã trả trước đó?... Thực ra tất cả những quy định này đã được nêu rõ trong hợp đồng và khách hàng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi mở thẻ. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính dư nợ thẻ ở một thời điểm nhất định trong tháng. Đơn cử, ngân hàng A sẽ tính dư nợ thẻ vào ngày 22 hàng tháng. Như vậy, nếu khách hàng dùng thẻ tín dụng thanh toán một món hàng từ ngày 1-20 hàng tháng sẽ được miễn lãi 45 ngày theo quy định. Thế nhưng, những món hàng mua sau ngày 22 thì số tiền đó ngay lập tức được tính lãi, mức lãi suất do tùy ngân hàng quy định. Hiện nay, lãi suất thẻ tín dụng dao động khoảng 20 - 30%/năm, chưa kể phí phạt trả chậm khoảng 4% nếu không thanh toán dư nợ đúng hạn.

Một trường hợp nữa mà khách hàng cũng cần lưu ý đó là ngân hàng chỉ miễn lãi đối với tài khoản không có dư nợ. Tức là khi bạn đang còn khoản nợ trước tại ngân hàng, dù chỉ 100 ngàn đồng thì các khoản thanh toán sau đó đều sẽ bị tính lãi. Không có chuyện miễn lãi. Như vậy, rút ra kinh nghiệm là để được miễn lãi 45 ngày, người tiêu dùng phải thanh toán 100% dư nợ trên thẻ đúng thời hạn. Sau đó, mới tiếp tục mua sắm thì mới được miễn lãi.

Ngoài ra, dù thẻ tín dụng có tính năng rút tiền mặt, nhưng chức năng chính của thẻ tín dụng là thanh toán. Nên khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn không nên rút tiền mặt bởi mức phí giao dịch khá cao (khoảng 4% số tiền rút, tối thiểu là 50.000 đồng tùy từng ngân hàng). Chưa kể, khoản tiền này sẽ được xem như khoản vay cá nhân với lãi suất 20 - 30%/năm ngay sau khi giao dịch rút tiền thành công…

Để tránh rủi ro mất tiền phí oan, thì bạn phải để ý cả những thông tin trên hóa đơn thanh toán sau khi quẹt thẻ. Bởi ít người biết rằng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng qua máy POS là hoàn toàn miễn phí, việc thu phí chỉ áp dụng lên người sở hữu máy POS. Nhiều điểm bán hàng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để đưa mức phí này vào hóa đơn giao dịch. Do vậy, bạn nên lưu ý kiểm tra lại hóa đơn trước khi ký xác nhận để tránh những sai sót trong việc thanh toán cũng như tránh bị tính phí bất hợp lý.

Triều Anh

Tin đọc nhiều