Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

13:37 | 08/11/2019

Là đầu mối theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả cải cách môi trường kinh doanh, thời gian qua bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng DN để nhận diện các rào cản của môi trường kinh doanh, từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN.

Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại: Điểm cộng cho môi trường đầu tư
Việt Nam sẽ liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
cai thien moi truong dau tu kinh doanh
Ảnh minh họa

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết thêm: Hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, theo dõi và khảo sát thông tin về thực trạng môi trường kinh doanh (bao gồm cả cải cách và vướng mắc) để soạn thảo các báo cáo quý về Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014-2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 1/1/2019); tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về môi trường kinh doanh, tạo diễn đàn để các bộ, ngành và DN nêu quan điểm, ý kiến về các vấn đề liên quan, từ đó tìm kiếm giải pháp đồng thuận.

“Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật Đầu tư (đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2019”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tổng hợp báo cáo của các bộ cho thấy, đến nay các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh. Như vậy, về cơ bản các bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể hơn các giải pháp hỗ trợ phát triển DNNVV, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, với tinh thần kiến tạo, đồng hành cùng DN, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ DN. Những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính bộ ngành và địa phương đã có những thay đổi tích cực như cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục, triển khai cơ chế một cửa…

Đồng thời, các giải pháp về giảm chi phí cho DN cũng được cộng đồng DN đánh giá cao mặc dù vẫn còn một số chi phí, phí và lệ phí còn chưa hợp lý cần tiếp tục xem xét, rà soát và cắt giảm.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, công tác triển khai luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngay sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản thi hành luật và đã ban hành đầy đủ 4 nghị định liên quan để triển khai luật; Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5764/BKHĐT-PTDN ngày 20/8/2018 đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg và có công văn hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV.

Một số chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của luật đã có một số chuyển biến rõ rệt và tích cực như: Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Phát triển DNNVV…

Ở cấp địa phương, tính đến 30/6/2019, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Trong đó, một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác hỗ trợ DNNVV, bố trí kinh phí của địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV ngay trong năm 2018 như: Hà Nội, Bình Dương, Hà Tĩnh...

Trần Hương

Tin đọc nhiều