Cân bằng kỳ vọng để tham gia thị trường vốn quốc tế

13:47 | 04/10/2019

“Các DNNN phải đối mặt với những thách thức riêng khi mời gọi tài chính nước ngoài cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng không phải không có giải pháp”, ông Donald Lambert - chuyên gia phát triển khu vực tư nhân chính, Bộ Đông Nam Á, ADB nhận định từ việc phân tích những thách thức phổ biến nhất mà DN cần phải đối mặt khi đi trên con đường này.

Đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN
Cổ phần hóa, thoái vốn: Những mục tiêu chưa đạt được
can bang ky vong de tham gia thi truong von quoc te
Với mỗi khoản vay, các DNNN sẽ xây dựng uy tín cao hơn về khả năng trả nợ

Theo chuyên gia này, tài trợ cho cơ sở hạ tầng thường đi theo một con đường dễ dự đoán tại rất nhiều quốc gia đang phát triển. Trước tiên, chính phủ tài trợ cho cơ sở hạ tầng thông qua thuế, vay mượn và bán đất. Khi đó, nợ quốc gia tăng lên. Để ứng phó, chính phủ tìm kiếm các giải pháp tài trợ cho cơ sở hạ tầng theo những cách thức không làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần của quốc gia. Các DNNN thường là những lựa chọn đầu tiên, do khi DNNN vay tiền cho một dự án cơ sở hạ tầng, khoản nợ này sẽ được tính vào sổ sách kế toán của DN chứ không phải của chính phủ.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các DNNN trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vốn quen với việc vay vốn dựa trên bảo lãnh của chính phủ, nhận thấy việc vay vốn theo các điều khoản thương mại ban đầu rất khó khăn. “Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là trước hết phải hiểu rõ những thách thức hiện hữu khi một DNNN vay vốn từ một bên cho vay quốc tế”, ông Donald Lambert nhấn mạnh và chỉ ra thách thức đầu tiên mà DNNN phải đối mặt là giải quyết bài toán xung đột lợi ích giữa các cổ đông và các chủ nợ.

Theo đó, các cổ đông muốn tối đa hóa lợi nhuận; còn các chủ nợ muốn được hoàn trả đúng hạn. Đối với các DNNN, sự đánh đổi này thậm chí còn trở nên phức tạp hơn. Các cổ đông có thể quan tâm tới những kết quả kinh tế - xã hội nhiều hơn cả lợi nhuận hay việc trả nợ, và các hệ thống cũng như cơ chế kiểm soát để bảo vệ lợi ích của các chủ nợ – chưa kể những cổ đông thiểu số mà lợi ích của họ cũng sẽ khác – thường chưa được phát triển.

Sự minh bạch là thách thức thứ 2 với sự ví von đầy hóm hỉnh và dụ ý của ông Donald Lambert: “Nếu chủ nợ của các DNNN có bà tiên đỡ đầu và nếu bà tiên đỡ đầu này có thể cho họ một điều ước, điều ước này rất có thể sẽ là Các tiêu chuẩn Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)”. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các DNNN, bởi vì cổ phiếu của họ thường không được niêm yết, và do vậy báo cáo tài chính của họ không được hỗ trợ thông qua các yêu cầu báo cáo của thị trường chứng khoán.

Năng lực cũng là một trở ngại trong việc tiếp cận các khoản vay quốc tế, đặc biệt với một DNNN chưa từng vay vốn theo các điều khoản thương mại, rõ ràng họ sẽ không biết cần phải làm gì. Thêm vào đó, các giới hạn trần về mức lương có thể ngăn cản DNNN thuê chuyên gia bên ngoài, điều mà bên vay thương mại lần đầu nên thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có kinh nghiệm, các nhà đầu tư quốc tế vẫn có thể nhận thấy quá trình ra quyết định của các DNNN là quá chậm, tới mức gây chán nản.

Sự khác biệt trong nhận thức ảnh hưởng tới những kỳ vọng về mức giá cũng có thể cản thu hút vốn. Bởi các DNNN thường cho rằng rủi ro tín dụng của họ thuộc nhóm an toàn nhất ở trong nước và khoe về lịch sử trả nợ hoàn hảo cũng như sự hỗ trợ ngầm từ chính phủ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn sẽ xem họ là nằm ngoài điểm đầu tư. Rủi ro của quốc gia định hướng cho sự khác biệt này. Chỉ trong những trường hợp ngoại lệ đặc biệt, năng lực trả nợ của một DNNN mới được đánh giá cao hơn so với chủ sở hữu của nó - là chính phủ. Các DNNN đã quen với việc được chào giá tốt nhất ở trong nước, và có thể nhận thấy báo giá từ các nhà đầu tư quốc tế là quá cao. Sự thiếu liên kết này càng được khuếch đại khi DNNN trước đó chỉ quen với các khoản bảo lãnh của chính phủ và đang vay vốn lần đầu tiên dựa trên sức mạnh từ bảng cân đối kế toán của riêng mình.

Bên cạnh đó để tiếp cận nguồn vốn quốc tế với các điều khoản vay tốt hơn, rất nhiều DNNN trước tiên phải tiến hành những cải cách thể chế. Những cải cách này có thể mất nhiều tháng tới nhiều năm, trong khi DNNN cần phải huy động vốn ngay tức thì. Về mặt lý thuyết, nhà nước có thể giúp bằng việc hỗ trợ một phần, và hỗ trợ này sẽ giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, những công cụ có thể giúp ích – như bảo lãnh tín dụng cho khoản thua lỗ đầu tiên, các quỹ dự phòng, bảo lãnh rủi ro chính trị, khoản vay thứ cấp – chưa được xây dựng. Thiếu những công cụ này, các DNNN buộc phải tiến hành bước chuyển đổi đột ngột, từ chỗ được chính phủ hỗ trợ hoàn toàn sang không còn hỗ trợ gì từ chính phủ.

Nhà đầu tư quốc tế thường cố gắng yêu cầu mọi tranh chấp pháp lý phải được giải quyết bởi thẩm quyền tài phán ở nước ngoài cũng có thể trở thành thách thức với DNNN do chi phí cao hoặc hệ thống pháp lý trong nước còn khiếm khuyết.

Tất cả những hạn chế này dường như làm nản chí các DNNN khi huy động vốn. Nhưng có một tin tốt là mọi việc sẽ dần trở nên dễ dàng hơn. Với mỗi khoản vay, các DNNN trở nên quen thuộc hơn với kỳ vọng của các nhà đầu tư, và một số kỳ vọng này thậm chí có thể thúc đẩy cải cách tài chính hay hoạt động.

Với mỗi khoản vay, các DNNN sẽ xây dựng uy tín (hy vọng là) cao hơn về khả năng trả nợ, và với mỗi khoản vay, các bên cho vay quốc tế sẽ quen thuộc hơn với khách hàng và sẵn lòng đưa ra các điều khoản tốt hơn. “Do vậy, thông điệp ở đây không phải vô nghĩa, mà là các DNNN và chủ sở hữu của họ cần tham gia thị trường vốn quốc tế với những kỳ vọng cân bằng” ông Donald Lambert khuyến nghị.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều