Cần chủ động thích ứng với các rào cản

07:00 | 18/11/2019

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp phải có một tâm thế chủ động và có trách nhiệm. Có nghĩa là doanh nghiệp nên thích ứng chứ không “đối phó” với các rào cản này. Và các doanh nghiệp cũng nên có trách nhiệm với nhau vì một cộng đồng phát triển bền vững.

Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy hải sản đạt gần 34 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng lại giảm; một số mặt hàng khác gặp khó khăn khi nhập vào các thị trường lớn. Điều này đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu là phải tìm cách gỡ các rào cản “kỹ thuật”...

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có rất nhiều nguyên nhân cho sự sụt giảm này, trong đó có những ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến động địa chính trị… khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các rào cản kỹ thuật đã làm hạn chế việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt vào những thị trường mà Việt Nam vốn có thế mạnh.

can chu dong thich ung voi cac rao can
Đại diện các thương hiệu nước ngoài trao đổi cách thích ứng với rào cản thương mại cùng DN Việt

Ông Vianney Lesaffre (Trung tâm thương mại quốc tế - ITC) cho biết, ITC đang triển khai một dự án để xác định các khó khăn mà doanh nghiệp Việt gặp phải và từ đó có những tham vấn phù hợp để giảm thiểu các bất lợi và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Vianney Lesaffre, hiện các biện pháp phi thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn hay tài chính, thủ tục hải quan ngày càng được áp dụng nhiều tại nhiều thị trường thế giới. Trong đó, SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure - Các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Technical Barriers to Trade Agreement - Hàng rào kỹ thuật trong thương mại) là những rào cản phi thuế quan đang được sử dụng rộng rãi. Theo ghi nhận, hiện có tới 40% doanh nghiệp nông sản gặp vấn đề về các rào cản xuất - nhập khẩu. Đồng thời, cũng có tới 63% doanh nghiệp phản hồi là rào cản về thủ tục đang ngăn cản dòng chảy xuất - nhập khẩu.

Chỉ rõ hơn về những điều này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra con số khá ấn tượng, là từ năm 2008 đến nay, các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đưa 20.000 biện pháp bảo hộ thương mại, bao gồm các biện pháp kỹ thuật, thuế quan, xuất xứ, chống trợ cấp, chống bán phá giá… Trong đó, hàng rào kỹ thuật là nhóm tương đối nổi bật. “Riêng với Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, các thị trường đối tác đã thông báo 350 biện pháp đối với lĩnh vực thực phẩm”, ông Dương dẫn chứng khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải.

Thông tin chính thức của WTO cũng cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018 đã có hơn 3.000 biện pháp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại được các nước áp dụng.

Theo ông Dương, cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Bởi hiện nay, những thông tin liên quan và cách ứng phó vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.

Ông Vianney Lesaffre cho biết, đầu năm 2020, ITC sẽ tham vấn cũng như sẽ có một hệ thống cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia các khóa huấn luyện về nâng cao đối phó với các rào cản phi thuế quan.

Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại và ITC đã xây dựng dự án thương mại vì sự phát triển bền vững (T4SD) để hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn bền vững tự nguyện, hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh. Bên cạnh đó, để hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử cho doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương (Cục Xúc tiến thương mại) - cho biết, Cục này đang tiếp tục hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào kênh phân phối toàn cầu. Chương trình này tập trung vào đào tạo kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon cho các doanh nghiệp để xúc tiến đưa hàng hóa xuất khẩu. “Tới nay đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng tốt nền tảng này và đưa hàng hóa sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU… qua Amazon”, ông Minh nói.

Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp phải có một tâm thế chủ động và có trách nhiệm. Có nghĩa là doanh nghiệp nên thích ứng chứ không “đối phó” với các rào cản này. Và các doanh nghiệp cũng nên có trách nhiệm với nhau vì một cộng đồng phát triển bền vững. “Các doanh nghiệp phải chủ động để hưởng lợi bằng việc tìm hiểu thông tin cam kết của thị trường, tham gia vào quá trình tham vấn chính sách mới, đầu tư nâng cao năng suất trình độ khoa học công nghệ”, ông Dương tham vấn thêm cho các doanh nghiệp.

Bài và ảnh Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều