Cần cơ chế đột phá để khơi thông vốn cho PPP

10:11 | 11/11/2019

Các NĐT đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến trong vài ngày tới. Tuy nhiên, một trong những kỳ vọng lớn là khơi thông nguồn vốn cho đầu tư PPP lại chưa được thể hiện rõ ràng trong dự luật này. 

Nhà đầu tư vẫn "ngóng" khung pháp lý đầy đủ cho PPP
Đầu tư PPP: “Bài toán khó” không của riêng Việt Nam

Tham gia ý kiến tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP” do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia, NĐT cho rằng việc chưa có chính sách để đa dạng hoá nguồn vốn cho đầu tư PPP khiến gánh nặng rủi ro đang đẩy lên vai ngành Ngân hàng.

can co che dot pha de khoi thong von cho ppp
Cần xã hội hoá việc huy động vốn cho đầu tư PPP

Cơ chế, chính sách đang rất lúng túng

Bà Vân Anh - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, trong thời gian qua vốn cho các BOT đa số là từ ngân hàng, nhưng nhiều dự án được ngân hàng tài trợ vốn lại có doanh thu không đạt như dự kiến, do lộ trình tăng phí không được thực hiện, cùng với đó là yêu cầu giảm phí, hoặc tình trạng mất an ninh trật tự. Điều này dẫn tới nguy cơ một số khoản vay của dự án BOT chuyển thành nợ xấu. Cho đến thời điểm hiện tại dư nợ cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến.

Trước tình hình đó, NHNN đã có nhiều văn bản gửi Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, và các địa phương, với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được, nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới.

GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng chúng ta cần nguồn vốn lớn, nhưng nếu không có đột phá về cơ chế thì không thể, và việc mở ra cơ chế cho NĐT hiện cũng rất lúng túng. Ông Mại đánh giá, hiện nay ngành Ngân hàng đang ở vai chịu rủi ro lớn nhất trong việc đầu tư theo phương thức PPP. Vì vậy, luật cần mở ra cơ chế huy động vốn ngoài tín dụng ngân hàng một cách rõ ràng hơn, theo đó không chỉ có 3 nguồn vốn chính là ngân sách, vốn tự có của DN, vốn vay ngân hàng, mà cần có cả nguồn vốn rộng rãi theo phương thức xã hội hoá, cho phép NĐT huy động từ thị trường.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, thông thường dự án hạ tầng giao thông sẽ gồm 4 nguồn vốn. Đầu tiên là vốn tự có của chủ sở hữu từ 15-20%. Thứ hai là từ TCTD thông thường chiếm từ 40-50%. Trong đó vai trò quan trọng là Ngân hàng Phát triển với nguồn vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được vốn cho DN. Trong khi đó các NHTM hiện tại chủ yếu huy động vốn vay ngắn hạn, nếu cho vay dài hạn sẽ dẫn tới rủi ro kỳ hạn, tiềm ẩn nợ xấu. Thứ ba là từ thị trường vốn, cụ thể là trái phiếu DN và trái phiếu công trình theo thời gian dự án. Nguồn vốn này chiếm khoảng 20% dự án. Cuối cùng là vốn từ các quỹ đầu tư.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đối với các dự án PPP, cái khó nhất là cấu trúc tài chính phức tạp. Vì vậy thông thường sẽ có tư vấn để tối ưu hoá nguồn vốn. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi kênh cấp vốn còn chưa đa dạng, việc tối ưu hoá nguồn vốn càng khó khăn hơn. Hiện nay việc huy động vốn của các NHTM đang rất khó. NHNN cũng có quy định vay dự án chuyên biệt, với loại hình DN BOT là xong dự án sẽ giải tán. Tuy nhiên với loại hình này rủi ro sẽ lớn hơn DN thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160% trong khi DN thông thường chỉ là 100%, vì vậy việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu là rất quan trọng với DN BOT.

Với đòi hỏi thực tế đó, ông Lực cho rằng quy định coi phát hành trái phiếu là nguồn vốn thứ cấp trong dự thảo Luật Đầu tư PPP là không phù hợp và không cần thiết. Việc huy động vốn theo hình thức nào nên là phương án của DN, quan trọng là tối ưu hoá lợi ích.

NĐT cần quy định linh hoạt

Cũng kiến nghị phải có chính sách để huy động nguồn lực đa dạng hơn cho mô hình đầu tư PPP, TS. Vũ Bằng - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng băn khoăn, dự thảo Luật Đầu tư PPP quy định chỉ phát hành trái phiếu DN sau khi đã hoàn thành công trình, như vậy sẽ gây ra hạn chế vì DN cần nguồn vốn từ đầu để làm. Nên có quy định linh hoạt hơn, chẳng hạn khi có dự án hoặc dự án đã thực hiện được 30-50% thì được phát hành trái phiếu. Như vậy các tổ chức, quỹ, hoặc chính các ngân hàng sẽ cung ứng vốn không phải qua hình thức cho vay mà mua trái phiếu DN ngay từ lúc đầu.

“Thị trường trái phiếu DN trong 1-2 năm gần đây rất bùng nổ, khi kênh này có thị trường chuyển nhượng thì sẽ phát triển rất tốt. Do đó nên mở ra nhiều hình thức khác nhau, không nên quy định bó chặt việc phát hành trái phiếu vào Luật Chứng khoán mà theo cả Luật DN, Luật Đầu tư và luật có liên quan”, ông Bằng bổ sung.

Bên cạnh đó, mô hình quỹ đầu tư hiện rất phổ biến ở các nước. Hiện nay đã có quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ rủi ro, quỹ đầu tư bất động sản… Các quỹ này thấy công trình có triển vọng phát triển sẽ góp vốn vào, giúp DN mạnh lên, sau khi hoàn thành công trình dự án thì họ rút ra bán cho người khác.

Ngoài ra, chủ đầu tư có thể lập quỹ riêng cho dự án, hoặc công ty mẹ thiết lập một quỹ mà phần vốn mồi là của công ty mẹ hoặc chủ đầu tư, sau đó mời các NĐT khác tham gia vào. Một hình thức khác là quỹ đầu tư không chỉ phục vụ cho 1 dự án mà cho nhiều dự án, trong đó có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng, NĐT chuyên nghiệp, NĐT rộng rãi. “Quỹ này đầu tư xong, dự án bắt đầu có hiệu quả thì mình lại đầu tư kêu gọi vốn vào quỹ đó để mở rộng ra không chỉ cho dự án này mà còn cho dự án khác”, ông Bằng khuyến nghị.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều