Một trong những vụ tiêu biểu gần đây xảy ra tại Lâm Đồng. Nhóm trộm này đã bị lực lượng chức năng huyện Di Linh (Lâm Đồng) bắt giữ vào tháng 9/2016. Khi khai nhận, các đối tượng cho biết chúng đã tiến hành hàng trăm vụ trộm, lấy đi tài sản hàng chục tỷ đồng từ 108 két sắt của các DN, người dân và các TCTD.
Mới đây hơn, trong các tháng đầu năm 2017, theo nguồn tin của Công an TP. HCM, cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ 18 vụ trộm phá két sắt trên địa bàn các quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Bình Chánh. Các nhóm trộm hầu hết lợi dụng thời gian các DN, hộ gia đình và các TCTD đóng cửa nghỉ Tết, nghỉ lễ để đột nhập, phá hủy két sắt. Tổng số tài sản bị lấy đi ước tính vài chục tỷ đồng.
Điều đáng nói là đa số các vụ trộm két sắt diễn ra chỉ trong thời gian ngắn. Theo lực lượng chức năng, việc đục phá các két sắt, thùng sắt của DN và người dân, thậm chí của cả một số TCTD đều được thực hiện khá dễ dàng. Nhiều tủ sắt, két sắt kẻ gian chỉ cần dùng các dụng cụ rất thô sơ như: xà beng, kìm cắt sắt, búa, đục,… là có thể phá hỏng nhanh chóng trong vòng 5-10 phút để lấy tài sản bên trong.
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, riêng đối với các TCTD hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 02/2012 của NHNN về tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và xe chuyên dùng, thì các đơn vị NHTM và các TCTD khác phải sử dụng các loại cửa kho tiền, xe chuyên chở tiền theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) đã quy định. Riêng đối với các loại két sắt sử dụng trong các TCTD, NHNN cũng đã có Công văn số 62/2003, thông báo quy định về một số thông số kỹ thuật của két sắt cần phải đáp ứng khi các TCTD lựa chọn két sắt để sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít các TCTD thiếu quan tâm đến việc mua sắm các thiết bị bảo vệ tiền bạc, tài sản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật nên vẫn sử dụng các loại két sắt, cửa kho tiền trôi nổi trên thị trường.
Thậm chí, theo ông Nguyễn Văn Triển, Giám đốc Công ty BMC, có một số đơn vị ngân hàng khi két sắt xảy ra sự cố hỏng hóc, liên hệ bộ phận kỹ thuật của BMC đến sửa chữa kiểm tra thì mới phát hiện đã mua phải két nhái nhãn hiệu của BMC, hoặc sử dụng các nhãn hiệu dễ gây nhầm lẫn tương tự. Đặc biệt là các sản phẩm này không truy được nguồn gốc xuất xứ.
Theo nhận định của ông Triển, hiện có không ít NHTM mà bộ phận kho quỹ chưa được chú ý đào tạo chuyên môn về vận hành an toàn khóa, két, cửa kho một cách kỹ càng. Do vậy, cần nâng cao ý thức chấp hành của các NHTM về những quy định, khuyến cáo của NHNN về việc sử dụng các loại sản phẩm đạt chuẩn kỹ thuật an toàn.
Ông Triển cho biết thêm, hiện nay trên thị trường két sắt, tủ sắt, BMC là một trong những đơn vị uy tín, tất cả các sản phẩm đều được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; đạt các quy chuẩn kỹ thuật do NHNN quy định và có giấy xác nhận của NHNN. Tuy nhiên, lợi dụng uy tín của BMC, hiện nay có một số cơ sở làm nhái mẫu mã sản phẩm, sao chép trái pháp luật các nhãn mác, chứng nhận để bán sản phẩm vào các TCTD, DN và người dân.
Do vậy, khách hàng, nhất là các TCTD khi có nhu cầu tư vấn về các sản phẩm của BMC nên trực tiếp liên hệ với công ty (tại số 7 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM, ĐT: 08.3.997.5069) để tránh mua phải các sản phẩm không đạt chất lượng kỹ thuật.
Hà Minh