Cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp

08:29 | 28/10/2019

Thực tế đã chứng minh, nhiều DN khởi nghiệp vì lựa chọn hợp tác sai nhà đầu tư đã nhanh chóng dẫn đến những xung đột lợi ích gay gắt.

Hoàn thiện hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp
Tìm vốn cho khởi nghiệp Fintech
Thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Theo các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển khá mạnh nhưng vẫn còn non trẻ. Phần lớn các DN khởi nghiệp vẫn còn gặp không ít những khó khăn trong việc xây dựng ý tưởng, hoạch định chiến lược, thiếu thị trường, đặc biệt là thiếu nguồn vốn. Chính vì vậy, việc kêu vốn từ các nhà đầu tư trong giai đoạn ban đầu là rất quan trọng. Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến từ khu

vực kinh tế tư nhân cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư cho các startup.

can lua chon nha dau tu phu hop
Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Tuy nhiên để lựa chọn được nhà đầu tư hoàn hảo cho mình cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lê Văn Quân cho rằng, DN khởi nghiệp tại Việt nam phát triển nhanh về số lượng nhưng tỷ lệ thất bại cũng lớn. Hầu hết các startup mới chỉ đưa ra được những ý tưởng kinh doanh, và vẫn thiếu rất nhiều những kiến thức, kỹ năng như cách xây dựng sản phẩm, kỹ năng quản trị DN và tài chính cơ bản… nên dẫn đến tình trạng nhiều startup “chết yểu” và phải dừng cuộc chơi. Vì vậy, rất cần có nhà đầu tư cùng song hành, để bên cạnh góp vốn còn hỗ trợ lớn về các yếu tố này.

Trên thực tế các nhà đầu tư luôn sẵn sàng hợp tác với các startup có ý tưởng tốt và chiến lược bài bản. Thông thường nhà đầu tư sẽ lựa chọ các DN theo mảng, lĩnh vực họ quan tâm, am hiểu, có thế mạnh để có thể đánh giá được về những startup tốt và tiềm năng. Để tăng tỷ lệ gọi vốn thành công, startup cần tiếp cận nhiều nhà đầu tư khác nhau để tìm ra nhà đầu tư phù hợp. Ông Nguyễn Lân Trung Anh (IDG Ventures Vietnam) cho rằng, thời gian trung bình để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công ở Việt Nam là 6,6 năm, trong khi ở Mỹ trung bình các doanh nghiệp chỉ cần 3-4 năm. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam không tìm được cho mình nhà đầu tư dài hạn để có thể khai phá thị trường và phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay không ít DN khởi nghiệp đã lựa chọn hợp tác với những DN, tập đoàn lớn để tận dụng những cơ hội, để tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa sự hậu thuẫn, danh tiếng, kinh nghiệm cũng như nguồn nhân lực đến từ những ông lớn. Sự hợp tác này không chỉ đem lại lợi ích cho cả hai bên mà còn là tiền đề để các startup có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình phát triển sau này.Tuy nhiên, trong mối quan hệ đầu tư, các startup cũng cần phải có chiến lược, kỹ năng và những ràng buộc pháp lý rõ ràng để tránh rơi vào tình cảnh bị ràng buộc hay bị thâu tóm bởi chính các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện vẫn có không ít trường hợp các DN khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư nhưng vẫn thất bại. Nguyên nhân chính bởi lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp. Có những nhà đầu tư chỉ có mục tiêu thâu tóm chứ không đồng hành. Họ đến để tiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty chứ không hướng tới đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó với những ràng buộc về pháp lý chưa rõ ràng trong việc góp vốn, cổ đông, điều hành, quản trị DN… cũng sẽ khiến cho mối quan hệ giữa nhà đầu tư và startup dễ dàng bị đổ vỡ, dẫn đến những tranh chấp, xung đột.

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với các DN khởi nghiệp, trước khi quyết định nhận vốn cần tiến hành thẩm định kỹ nhà đầu tư về năng lực tài chính, uy tín, am hiểu lĩnh vực mà DN cần. Khi ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cần có những điều khoản quy định về hợp tác đầu tư rõ ràng, chi tiết từng điều khoản hợp đồng khi đàm phán. Trong thỏa thuận hợp đồng cần quy định rõ giới hạn quyền sở hữu, điều hành cảu nhà đầu tư và sáng lập viên. Để tránh rủi ro hay tranh chấp, các bên cần thỏa thuận thống nhất ngay từ giai đoạn đàm phán khi có xung đột hoặc thoái vốn, kể cả khi chấm dứt đầu tư và chấm dứt hợp tác thì vẫn bảo vệ uy tín cho nhau. Đồng thời Nhà nước cũng cần xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa nhà đầu tư và DN khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều