Cần một chương trình quốc gia để xử lý tín dụng đen

10:30 | 23/12/2019

Vấn nạn tín dụng đen đã gây nhiều hệ lụy, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Để hạn chế tín dụng đen, Viện Ngân hàng - Tài chính đề xuất cần có một chương trình quốc gia mang tên “Chương trình ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen”.

can mot chuong trinh quoc gia de xu ly tin dung den

Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân về đề xuất này.

Theo Viện trưởng, cần làm gì để người dân không sập bẫy tín dụng đen?

Để người dân không bị sập bẫy tín dụng đen, giải pháp trọng tâm là các TCTD cần phát triển và cung cấp các sản phẩm cho vay có thể tiếp cận được mọi nhu cầu tài chính của người dân để từng bước đẩy lùi và triệt tiêu cơ hội tồn tại tín dụng đen. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tín dụng đen và trang bị kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân cho người dân.

Muốn vậy, cần thiết phải xây dựng một chương trình quốc gia và Chính phủ chỉ đạo một cách quyết liệt các bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia, tích cực, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ từ việc giám sát đến việc thực hành chống tín dụng đen trên tất cả các lĩnh vực và tất cả các địa phương. Sự tham gia phối hợp chặt chẽ của hệ thống chính trị, các TCTD, các tổ chức xã hội và quần chúng không chỉ tạo ra nguồn lực lớn mà còn tạo ra những hiệu ứng tích cực tác động đến phong tục, tập quán và các yếu tố tâm lý xã hội, góp phần ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen.

Hiện nay có rất nhiều các hình thức cho vay nặng lãi dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức khác. Liệu đây có phải là mầm mống của tín dụng đen? Làm sao để những hình thức cho vay này không bị “đen hóa”?

Chính phủ cần ban hành các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý và kiểm soát đối với các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ mới. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của họ, hụi, biêu, phường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các quy định pháp lý đối với hình thức cho vay ngang hàng, đặc biệt đa số các hình thức cho vay ngang hàng này đã cho thấy thực chất là hoạt động của tín dụng đen với lãi suất rất cao và áp dụng hình thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Do đó, việc quản lý chặt hơn các hình thức này là điều cần thiết nhằm hạn chế những trường hợp biến tướng trở thành hoạt động tín dụng đen.

Quản lý chặt chẽ không có nghĩa là cấm hay cản trở sự phát triển của các sản phẩm công nghệ tài chính hiện đại, nhưng với những gì đã xảy ra ở các nước mà điển hình là ở Trung Quốc thì các hoạt động này cần phải được quản lý và giám sát trong một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch với những quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm minh đủ sức răn đe.

Đồng thời, khi cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, Chính phủ sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định về nhận diện số, sử dụng chữ ký số và khả năng truy cập những thông tin cơ bản cần thiết để các TCTD chính thức có thể phát triển các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ mới (Fintech). Điều này không chỉ tạo điều kiện tận dụng tối đa những tiến bộ công nghệ, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và DN mà còn giảm thiểu chi phí và mức độ rủi ro của các món vay.

can mot chuong trinh quoc gia de xu ly tin dung den

Theo quan sát của phóng viên, những trường hợp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng là do người dân chưa đáp ứng được các điều kiện để các ngân hàng cho vay như, không có tài sản đảm bảo, không có việc làm ổn định nên khả năng trả nợ cũng rất bấp bênh… Vậy theo ông, cần làm gì để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân mà các ngân hàng vẫn phòng ngừa được rủi ro?

Kết quả nghiên cứu của Viện Ngân hàng - Tài chính cho thấy cần một chương trình quốc gia để xử lý tín dụng đen, chương trình này có thể mang tên “Chương trình cho vay ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen”.

Theo đó, Chính phủ và NHNN sớm ban hành các quy định khuyến khích các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo, đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả khảo sát điều tra cũng như tiếp xúc của nhóm nghiên cứu với các NHTM chỉ ra rằng, nhiều ngân hàng có khả năng và thực sự mong muốn mở rộng thêm các sản phẩm cho vay tiêu dùng đặc biệt, góp phần đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ nghèo, nhất là khi phải giải quyết những khó khăn bất khả kháng.

Do vậy, một “Chương trình quốc gia” cho vay để hạn chế và loại bỏ tín dụng đen - một giải pháp trọng tâm, có tính khả thi và được hầu hết các chuyên gia khuyến nghị. Hơn nữa, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về hạn chế tín dụng đen, nhất là Trung Quốc, giải pháp này là thực sự cần thiết để tạo ra nguồn lực và động lực cho các TCTD Việt Nam khi chung tay vào “Chương trình ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen”.

Mặc dù vậy, việc phát triển hoạt động cho vay để góp phần đầy lùi tín dụng đen là một thách thức không nhỏ đối với các TCTD. Dù được sự cho phép của NHNN và được bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý thì mức độ rủi ro và chi phí của các món cho vay loại này vẫn là một thách thức lớn. Do vậy, muốn phát triển các hoạt động cho vay để góp phần hạn chế tín dụng đen, các TCTD cần phải xác định quyết tâm và chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực cần thiết để chủ động và tích cực đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn chính đáng với lãi suất vừa phải, thủ tục tiện lợi nhất.

Xin cảm ơn Viện trưởng!

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều