“Văn hoá VIP” ở Việt Nam nhiều năm nay trở nên phổ biến, đi kèm với đó là hàng loạt những ưu tiên, linh động cho khác hàng VIP. NH cũng là ngành không nằm ngoài số đó. Để chiều lòng những thượng đế của mình, không ít NH đã và đang có sự linh động đối với đối tượng khách hàng này, dẫn đến nguy cơ rủi ro cho cả hai bên.
Trên thực tế, khách hàng luôn cân nhắc gửi tiết kiệm tại NH có uy tín, đã quen gửi tiền. Và thường khi quen, khách hàng sẽ gửi số tiền lớn. Tuỳ từng NH, việc quan niệm khách hàng nào là VIP không giống nhau: VIP được hiểu là những khách hàng đã có giao dịch với NH trong nhiều năm, trả lãi đúng hẹn và có số dư nhiều tỷ đồng. Không ngạc nhiên khi rất nhiều đối tượng khách hàng VIP gửi hay rút tiền không muốn tới NH. Và để chiều lòng khách, nhân viên giao dịch vẫn phải tất toán, đổi sổ cho khách mà chưa có chữ ký của khách hàng.
Khách hàng phải có ý thức trước hết với việc bảo đảm tài sản của mình, chứ không nên thiếu thận trọng, phó mặc cho NH gửi tiền |
Những năm trở lại đây, các NH đồng loạt nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng với nhiều ưu đãi, trong đó có dịch vụ ngân hàng tại nhà, nếu khách hàng có yêu cầu.
Trưởng phòng giao dịch của một chi nhánh NH trên quận Cầu Giấy cũng thừa nhận, như là luật bất thành văn, quan hệ khách hàng là vô cùng quan trọng, đặc biệt với đối tượng khách hàng thân thiết. Bởi vậy, không thể không có đặc cách. Linh động, làm tắt không chỉ dẫn tới rủi ro cho NH, mà còn có nguy cơ với cả chính bản thân khách hàng. Không ít trường hợp do quá tin tưởng vào lãnh đạo phòng giao dịch, tin tưởng uy tín của NH mà khách hàng đồng ý ký vào giấy tờ trắng mà không hề thắc mắc gì, với suy nghĩ đơn thuần khi mình đi vắng, không thể tới trực tiếp giao dịch mà vẫn có đủ chữ ký.
Còn với trường hợp nhân viên giao dịch tới tận nhà mở sổ tiết kiệm, khách hàng khó có thể chắc chắn được số tiền mình giao có được gửi vào tài khoản tại NH hay không, nếu như nhân viên giao dịch là giả mạo. Thực tế, không ít bài học đắt giá xảy ra đối với khách hàng quá tin tưởng và thiếu thận trọng trong khi không thực hiện giao dịch trực tiếp tại NH.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng nghĩ rằng mình là khách hàng thân thiết, đủ mức độ tin cậy rồi, không nhất thiết phải ký để đảm bảo thủ tục, tránh rủi ro, thấy phiền hà và rắc rối. Cũng chính tâm lý này vô tình đã khiến nhân viên giao dịch lợi dụng để làm tắt, thậm chí bỏ qua các bước chứng thực. Khi xảy ra rủi ro, khách hàng đương nhiên sẽ là người chịu rắc rối lớn nhất và không có bằng chứng để chứng minh.
Được hỏi về vấn đề này, anh Việt Anh, một khách hàng tới mở sổ tiết kiệm tại NH cho rằng: “Tôi thấy chẳng việc gì phải ký nhiều lần làm gì, rồi còn yêu cầu trình giấy tờ tuỳ thân, trong khi tôi thường xuyên gửi tiền ở đây, bao năm nay có sao đâu, bây giờ lại sách nhiễu đòi ký này ký nọ…”. Khách hàng, không hiểu hết quy trình thủ tục, hay hiểu nhưng tâm lý nghĩ “bao nhiêu năm có làm sao đâu mà” đã tự khiến mình rơi vào rủi ro mà không biết.
Trưởng phòng tín dụng của một NHTM lớn cho rằng: “NH dù có đưa ra quy trình thủ tục, có yêu cầu, quy định với khách hàng nhưng bản thân khách hàng không tuân thủ, nghĩ rằng chúng tôi nhiêu khê. Nếu chúng tôi đôi co với khách hàng, khách hàng sẽ sẵn sàng không gửi tiền nữa, chỉ tiêu huy động vốn ảnh hưởng. Do đó, đối với những khách hàng lâu năm, dù biết không tránh được rủi ro, nhưng chúng tôi vẫn phải có linh hoạt để không mất khách”.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, bản thân khách hàng phải có ý thức trước hết với việc bảo đảm tài sản của mình, chứ không nên thiếu thận trọng, phó mặc cho NH gửi tiền, tránh rủi ro và tổn thất cho cả hai phía.
Thảo Minh