Cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng

11:00 | 09/10/2019

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 25-30% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Nhiều thách thức với thị trường thương mại điện tử
Top 10 website thương mại điện tử Đông Nam Á: Việt Nam chiếm phân nửa
Phải có quỹ đất để phát triển dịch vụ logistics

Là khu vực có tỷ lệ người dùng Internet cao trên thế giới, Đông Nam Á đang tự định hình các xu hướng công nghệ. Thống kê cũng cho thấy khu vực này có khoảng 360 triệu người dùng Internet với hơn 90% kết nối mạng chủ yếu qua điện thoại di động. Chính vì thế, những lĩnh vực có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của kinh tế số hiện nay là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, gọi xe công nghệ hay giao món ăn. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với hơn 150 triệu dân đang mua những thứ họ cần qua mạng đưa giá trị của ngành này đạt đến 35 tỷ USD, so với chỉ 5 tỷ USD của năm 2015. Dự kiến đến năm 2025, sẽ chạm mốc 150 tỷ USD.

can tao niem tin cho nguoi tieu dung
Cảnh giác với nhiều chiêu "lừa" trên mạng xã hội khi mua hàng

Nằm trong một khu vực đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam không là ngoại lệ và đang bứt phá mạnh mẽ, với quy mô thương mại điện tử đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, đạt 12 tỷ USD năm 2019. Dự báo con số này sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025 thuộc các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ...

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 25-30% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) dẫn chứng số liệu doanh thu bán lẻ từ lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2018 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng so với mức dự báo 7 tỷ USD trước đây. Vì thế, doanh thu bán lẻ năm 2025 dự báo có thể sẽ lên mức 33 tỷ USD, được coi là điểm sáng thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh hơn.

Ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Bằng chứng rõ nhất là sự ra đời của hàng loạt trang web thương mại điện tử mới; các quỹ đầu tư, các tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư vào các sàn, các trang web thương mại điện tử trong nước. Thị trường này đang ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn khi có nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, cạnh tranh với các sàn đã hoạt động nhiều năm.

Ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) phân tích, cùng với sự phát triển toàn diện hạ tầng viễn thông 3G, 4G, sắp tới là 5G và các thiết bị di động, còn có sự tăng trưởng vượt trội của dịch vụ ngân hàng điện tử cũng như công nghệ tài chính (fintech) sẽ góp phần đẩy nhanh xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng số, nền tảng di động.

Bên cạnh sự bùng nổ của Internet, của thiết bị di động sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều trang bán hàng trực tuyến tham gia thị trường, đặc biệt cả thương mại qua mạng xã hội, giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, nhiều nhà cung cấp và có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua hàng, một trong nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vẫn đang tập trung phát triển ở khu vực thành thị, trung tâm, mà chưa quan tâm đến thị trường rộng lớn là khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, người Việt mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với sản phẩm trực tuyến trong nước. Nguyên do bởi các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Alibaba… có uy tín hơn các trang bán hàng trong nước. Ngoài ra, hàng hóa cũng phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng trong nước hơn, đại diện Bộ Công thương cho hay.

Ở chiều ngược lại, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ là một trợ lực đáng kể cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành trong nước không thể thờ ơ mà phải có các bước chuẩn bị cần thiết, để nhập cuộc, đại diện Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Để có thể thúc đẩy kinh tế số, cần có sự hỗ trợ về định hướng và chính sách từ cơ quan quản lý như: hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng triển khai các công nghệ của công nghiệp 4.0 vào trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp; xây dựng mô hình chuyển đổi số, phát triển nhà máy số trong các ngành có tiềm năng… Song về lâu về dài, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng được niềm tin vững chắc nơi người tiêu dùng để thúc đẩy phát triển đúng hướng, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Dũng

Tin đọc nhiều