Cần thêm chính sách đồng bộ

15:51 | 09/05/2012

DN chưa thể nghĩ tới việc tìm vốn, khi đầu ra còn chưa được đảm bảo, cho dù tín dụng ngoại tệ đã được nới thêm.

Quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực mới đây được đánh giá là rất ý nghĩa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn. Dù vậy, việc thiếu các chính sách đồng bộ khiến họ chưa thể tận dụng chủ trương này, bởi vấn đề của nhiều DN hiện nay không chỉ là khát vốn.

Ảnh: Hoàng Giáp
Cả nước chỉ có 7% DNNVV trực tiếp tham gai làm hàng xuất khẩu.
(Ảnh: Hoàng Giáp)

Bà Đặng Phương Dung - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: "Tôi cho rằng các DN dệt may không quá lo lắng về việc tiếp cận vốn nói chung, và vốn vay bằng ngoại tệ nói riêng. Bởi với 80% nguồn nguyên liệu là nhập khẩu, đáng lẽ áp lực vay ngoại tệ của nhóm hàng này là rất lớn, nhưng một khi đơn hàng gia tăng, chúng tôi tự tin rằng sẽ có hồ sơ "đẹp" để tiếp cận tín dụng dễ dàng. Hơn nữa, ngoài vay vốn tín dụng, chúng tôi vẫn còn rất nhiều kênh xoay vốn khác".

Cũng trong tâm thế như vậy ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV nhìn nhận rất tích cực về quyết đnh khơi dòng ngoại tệ của NHNN. Tuy nhiên, vị luật gia này cũng tiếc nuối, bởi chỉ có rất ít DNNVV hiện nay được hưởng lợi từ quyết định này. Ông Nam phân tích: "Cả nước hiện chỉ có khoảng 7% tổng số DNNVV tham gia trực tiếp làm hàng xuất khẩu, cũng chỉ đảm nhận một khâu rất nhỏ trong chuỗi sản xuất. Chưa kể trong số 7% này, không phải DN nào cũng đáp ứng được điều kiện cho vay mà NHNN đặt ra".

Hơn thế, theo Quyết định 857/QĐ-NHNN ban hành ngày 2/5/2012, để được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Thế nhưng trong hoàn cảnh khan hiếm đơn hàng, sản xuất cầm chừng như hiện nay, phần lớn DN chưa thể nghĩ tới việc tìm vốn khi đầu ra còn chưa được đảm bảo.

Đây là tình trạng của rất nhiều ngành hàng xuất khẩu. Theo đó, không chỉ các DN nhỏ mà ngay cả đơn vị lớn cũng cho rằng, điều khiến họ lo lắng nhất trong thời điểm hiện tại chính là thiếu đơn hàng. Bởi vậy, dù rất hoan nghênh chính sách này của NHNN, nhưng DN cũng chưa mấy mặn mà.

Trước tình hình này ông Tô Hoài Nam kiến nghị, các bộ ngành nên ban hành thêm nhiều chính sách phối hợp đồng bộ để cùng lúc giải quyết các vấn đề khó khăn của DN. "Chẳng hạn, Bộ Công thương nên tập trung xúc tiến thương mại, tập hợp DN lại để hỗ trợ họ tìm kiếm thị trường, thay vì chỉ tham gia một số hội chợ, triển lãm quốc tế như hiện nay", ông Nam cho biết.

Trong khi đó, dòng ngoại tệ hỗ trợ DN nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ kinh doanh, sản xuất trong nước dù được bổ sung song vẫn khiến DN e dè bởi quy định hỗ trợ chưa tới. Theo đó, Thông tư số 03/2012/TT-NHNN ban hành ngày 8/3/2012 quy định về việc cho vay ngoại tệ để thực hiện dự án, phương thức sản xuất - kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ đã chỉ rõ:TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thẩm định và đảm bảo dự án, phương án sản xuất - kinh doanh của khách hàng có khả thi, hiệu quả và khách hàng vay đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, có khả năng thu hồi nợ đúng hạn (gốc và lãi). Cần lưu ý rằng, trong hoành cảnh sản xuất đình đốn, chỉ số tồn kho tăng, sức mua giảm… sẽ là bài toán khó nếu buộc DN phải chứng minh tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh của mình. Tới đây, vấn đề lại quay trở về nút thắt đầu ra chưa được giải quyết khiến DN chưa nghĩ tới việc giải bài toán vốn.

Trước vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, với những ngành có nhu cầu vay ngoại tệ để sản xuất các hàng hóa thiết yếu trong nước nhưng không làm tái tạo ngoại tệ thì cũng phải tạo điều kiện, bởi đây là những ngành đảm bảo an sinh xã hội, rất cần được ưu tiên trong bối cảnh hiện nay.

Ông Huỳnh Bửu Tuấn - Giám đốc Tài chính CTCP Dầu khí Anpha S.G:

Trên thực tế, không ít DN gặp phải khó khăn khi đi vay ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Song, với Quyết định 857 và văn bản số 2650/NHNN - CSTT về cho vay ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu (có hiệu lực thi hành ngày 2/5/2012) đã cởi “nút thắt” cho DN. Việc các DN (đặc biệt là các DN nhập khẩu xăng dầu, DN sản xuất kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng đủ điều kiện vay vốn…) sẽ có điều kiện thuận lợi hơn, "danh chính ngôn thuận" khi tiếp cận với nguồn vốn ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài. Tuy nhiên, trở ngại đối với không ít DN vẫn chính là yếu tố rủi ro tỷ giá. Tỷ giá đang được "neo" ở mức tương đối ổn định, nhưng giả sử trong những quý tới, khi nhiều DN cùng có nhu cầu vay ngoại tệ với lượng lớn hoặc khi đến kỳ hạn trả nợ, nhưng nguồn này chưa đủ đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm, đẩy tỷ giá tăng, như vậy sẽ rất rủi ro cho DN. Để hạn chế bớt những tác động này, DN có thể nghĩ đến công cụ bảo hiểm về tỷ giá hoặc tính toán cẩn trọng trước khi tiếp cận nguồn vốn bằng ngoại tệ.

Riêng với các DN nhập khẩu xăng dầu cũng cần có cơ chế riêng bởi đa phần các DN này cần nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu hàng hóa, nhưng nguồn thu ngoại tệ của họ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay lại hạn chế. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận việc DN ngành hàng xăng dầu có điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ sẽ giúp cho việc điều chỉnh giá xăng dầu lên xuống phù hợp và theo kịp với tình hình thế giới có thể sẽ được cải thiện hơn nhiều.

Ông Võ Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Ngoại thương Đà Nẵng:

Với việc NHNN ban hành Quyết định 857 về cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ thông qua các TCTD, tạo nhiều thuận lợi cho DN có nhu cầu thật sự về ngoại tệ, trao đổi, mua bán với các đối tác nước ngoài... Đặc biệt trong bối cảnh, lãi suất cho vay VND tuy đã giảm, song vẫn còn khá cao so với lãi suất vay USD, quyết định này của NHNN đã góp phần hỗ trợ DN tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh, theo quyết định này, sau khi DN thu được ngoại tệ, phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot). Điều này càng góp phần ổn định tỷ giá...

Ông Lê Văn Truông - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội:

Đối với các DN có nguồn thu chi ngoại tệ hợp lý thì việc tiếp cận với nguồn vốn vay bằng ngoại tệ tại các TCTD, ngân hàng là không mấy khó khăn. Tuy nhiên cũng cần lưu tâm đến như cầu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong nước. Trên thực tế từ trước đến nay, khi các DN kinh doanh cần nguồn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhưng doanh thu chủ yếu là đồng nội tệ, thì vẫn có thể liên kết với các DN khác có nguồn thu chính từ hoạt động xuất khẩu song lại không cần nhiều ngoại tệ để nhập hàng hóa. Mặc dù vậy, vẫn không thể tránh khỏi tình trạng khan hiếm nguồn ngoại tệ vào một số thời điểm nhất định.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều