Cần thêm hàng rào trong sở hữu trí tuệ

15:00 | 02/10/2019

Số liệu thống kê của Bộ KH&CN cho thấy, để xử lý các sai phạm trong quyền SHTT, hiện nay biện pháp hành chính được áp dụng trong hơn 90% tổng số vụ việc...

Quyền sở hữu trí tuệ: Đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp
Gỡ vướng trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
can them hang rao trong so huu tri tue
Ảnh minh họa

Theo thống kê của tổ chức Madrid Monitor, tính đến tháng 9/2019, có tổng số 1.088 đơn đăng ký nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam đăng ký qua hệ thống quốc tế. Riêng năm 2017 có 110 đơn và năm 2018 là 219 đơn. Các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) đánh giá, đối với một quốc gia định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam, số đơn đăng ký nhãn hiệu như trên còn ít.

Thời gian tới, cùng với vấn đề xuất xứ hàng hoá, DN cần chú trọng tới việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT để bảo vệ sản phẩm của mình trên thị trường nội địa và cả xuất khẩu. Việc này cần được chú ý hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và Việt Nam lại là quốc gia có độ mở cao.

Luật sư Trần Hữu Trà - Công ty Luật Tra và Cộng sự chia sẻ, các kiến thức pháp lý về quyền SHTT của DN Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy thời gian qua xuất hiện nhiều tranh chấp liên quan tới nhãn hiệu.

Ông Trà lấy dẫn chứng về một vấn đề sai lầm phổ biến dẫn tới thiệt hại, đó là DN cho rằng đã đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì khi xuất khẩu không nhất thiết phải đăng ký lại. Quan điểm đó là sai, vì quyền với nhãn hiệu được tạo dựng trên cơ sở lãnh thổ, cấp ở quốc gia nào thì được bảo hộ ở quốc gia đó. Vì vậy DN đưa sản phẩm vào thị trường nào thì phải đăng ký ở thị trường đó. Với DN xuất khẩu ở nhiều thị trường, việc đăng ký bảo hộ ở quốc gia nào phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của DN.

Liên quan đến bảo hộ quyền SHTT, một nguyên tắc khác cần lưu ý, mà hiện nay hầu hết các nước áp dụng, đó là DN nào đến trước được đăng ký trước. Ông Trà lấy ví dụ thực tế, năm 2012 hãng Apple của Mỹ phải bỏ ra 60 triệu USD để mua lại nhãn hiệu iPad từ một công ty rất nhỏ của Trung Quốc. Vì khi Apple mang hàng sang nước này đã bị hải quan chặn lại do sản phẩm bị trùng nhãn hiệu. Đây là những vấn đề rủi ro mà DN Việt Nam cần lường trước và tìm hiểu trước khi muốn thâm nhập sâu vào bất kỳ một thị trường nào bên ngoài lãnh thổ.

Nhấn mạnh tới vai trò của bảo hộ quyền SHTT, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, nhìn vào bảng cân đối tài sản của các tập đoàn đa quốc gia sẽ thấy, trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, các tài sản vô hình chỉ chiếm khoảng 20-25%, thì đến đầu thập kỷ 90 cơ cấu này đã đảo ngược lại hoàn toàn. “Thương hiệu Apple năm 2019 trị giá khoảng 205 tỷ USD, kế đến là Google trị giá hơn 167 tỷ USD... Rõ ràng tài sản trí tuệ có giá trị vô cùng lớn”, bà Quỳnh minh hoạ bằng những con số thực tế.

Số liệu thống kê của Bộ KH&CN cho thấy, để xử lý các sai phạm trong quyền SHTT, hiện nay biện pháp hành chính được áp dụng trong hơn 90% tổng số vụ việc. Thanh tra Bộ KH&CN là một trong những cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc sai phạm trong lĩnh vực này.

Qua thực tế, trong năm 2019 ước tính số đơn khiếu nại tăng 1,5 lần so với 2018 và chắc chắn đến hết năm sẽ tăng gấp đôi. Đối với biện pháp hành chính, DN không phải bỏ tiền ra mà Nhà nước dùng tiền ngân sách để lập các đoàn thanh tra, xử lý vi phạm và tiền xử phạt lại nộp vào ngân sách nhà nước. Với phương thức này, thời gian giải quyết nhanh, chi phí không tốn kém.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là khi thấy đoàn thanh tra, cơ sở sai phạm lập tức dừng hoạt động kinh doanh, dỡ bỏ biển hiệu, cất hàng đi, thậm chí sẵn sàng nộp hết hàng hoá vi phạm, nhưng chỉ sau đó vài ngày là lại bán hàng hoá bình thường. “Ví dụ gần đây chúng tôi xử lý vụ việc liên quan nhãn hiệu Hermes. Một công ty trong TP. Hồ Chí Minh bán túi của thương hiệu này với giá khoảng 20 triệu đồng nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi đó túi chính hãng có giá hơn 400 triệu đồng. Vì lợi nhuận quá lớn nên họ sẵn sàng nộp hết hàng trong cửa hàng, nhưng 1 thời gian sau thì tái phạm”, bà Quỳnh cho hay.

Hiện nay, biện pháp hình sự và dân sự được đánh giá là mang lại hiệu quả thực thi cao nhưng ít áp dụng ở Việt Nam. Rất nhiều vụ việc được đưa ra và truy tố trong thời gian rất dài nhưng sau đó không thể khởi tố hình sự, vì các quy định liên quan còn rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

“Các tổ chức quốc tế và các nước phát triển luôn đặt câu hỏi tại sao các cơ quan hành chính của Việt Nam cứ ôm các vụ việc về SHTT mà không đưa ra toà. Thì một trong những lý do là đại diện sở hữu công nghiệp thấy xử lý hành chính tốt hơn và năng lực các cơ quan tư pháp về SHTT còn rất nhiều hạn chế, khó khăn trong xử lý”, bà Quỳnh nêu thực tế.

Lan Hương

Tin đọc nhiều