Cần thị trường hóa giá xăng dầu

16:12 | 10/05/2012

DN thì luôn miệng kêu lỗ, trong khi NSNN vừa dễ thất thu, vừa liên tục phải bù lỗ cho DN; còn người tiêu dùng thì ấm ức về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tình trạng này một phần cũng do cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện hành (Nghị định 84/2009/NĐ-CP) đã quá lỗi thời, đòi hỏi cần phải sớm được chỉnh sửa.

Ảnh: ST
Minh bạch giá xăng dầu sẽ khiến người tiêu dùng yên tâm.

Ấm ức cả đôi bên

Điều 27, Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Còn đối với giá bán lẻ, Nghị định cũng quy định rõ những trường hợp thương nhân đầu mối được quyền quyết định điều chỉnh giá bán. Song thời gian qua, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được tự quyết định giá bán xăng dầu trong một giai đoạn ngắn (từ khi Nghị định 84 có hiệu lực vào cuối năm 2009 đến tháng 3/2010). Còn lại đại bộ phận thời gian, giá bán xăng dầu đều do Nhà nước quyết định để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu do Nhà nước chủ trì này thường thay đổi chậm hơn biến động của giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở gây nên lỗ tích lũy. Cùng việc chưa có quy định cụ thể để bù đắp những chi phí hợp lý cho DN tham gia bình ổn giá, dẫn đến lũy kế số dư Quỹ bình ổn giá bị âm hơn 2.300 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế kinh doanh xăng dầu của các DN hơn 5.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Điều này gây không ít khó khăn về tài chính cho DN. Kèm theo đó, chi phí hoa hồng cho các tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu bắt buộc phải giảm xuống quá thấp làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối của DN, mất tính ổn định và luôn xáo trộn.

Chưa hết, quy định cách tính giá cơ sở như hiện nay (tính bình quân trong 30 ngày dự trữ lưu thông) cũng khiến diễn biến giá xăng dầu trong nước không theo sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, song giá trong nước chưa giảm theo do giá cơ sở được tính bình quân trong 30 ngày. Nhưng khi giá thế giới tăng, giá trong nước chưa điều chỉnh kịp, nhà nhập khẩu lại kêu trời là lỗ. Thậm chí còn xảy ra tình trạng giá xăng dầu trong nước tăng trong khi giá thế giới giảm như đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4. Tình trạng giá xăng dầu "tăng nhanh, giảm chậm" đã gây nhiều bức xúc trong người tiêu dùng.

Bên cạnh đó việc neo cứng một số yếu tố cấu thành giá cơ sở được tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào từ năm 2009 trong khi đến nay nhiều chi phí đã tăng lên đáng kể, như chi phí tiền lương, các khoản chi tính trên lương, chi phí nguyên vật liệu, chi phí tài chính… khiến giá bán lẻ (được tính toán, điều hành qua giá cơ sở) ngày càng xa thực tế.

Quan trọng là minh bạch

Tất cả những bất cập trên cho thấy, cần sớm sửa Nghị định 84/2009/NĐ-CP, song vấn đề là sửa thế nào? Ý kiến được nhiều người đưa ra là giảm thời gian tính giá cơ sở chỉ còn 10 ngày. Khi đó, giá xăng dầu trong nước sẽ theo sát hơn với diễn biến giá thế giới. Điều này cũng phù hợp với quy định: Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá.

Còn công luận cho rằng điều quan trọng là cần phải có một cơ sở hợp lý điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, chi phí bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và minh bạch. Cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá bảo đảm Quỹ được sử dụng hiệu quả, trong phạm vi số dư của Quỹ. Đồng thời có cơ chế giải quyết lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng do DN tham gia thực hiện bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua.

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh chưa có cạnh tranh thị trường đầy đủ về kinh doanh xăng dầu, thì cơ chế quản lý nhà nước đối với giá xăng dầu với tư cách ngành kinh doanh độc quyền cao cần bảo đảm xuất phát từ lợi ích quốc gia tổng thể và dài hạn, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm và lối tư duy nhiệm kỳ; cũng như phải tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới. Theo ông giá bán lẻ xăng dầu cần xây dựng trên 2 cơ sở là phần cứng và phần mềm. Trong đó phần cứng: chỉ bao gồm chi phí sản xuất, nhập khẩu và lưu thông với các hao hụt định mức kỹ thuật tối thiểu hợp lý (được kiểm toán và giám sát khách quan) trên 1 đơn vị (lít hoặc m3) xăng dầu để tới tay người tiêu dùng (tính theo giá thực tế đấu thầu tiêu chuẩn cao nhất, có tính đến biến động thực của tỷ giá). Còn phần mềm: gồm các khoản lãi định mức tối đa của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng như các nghĩa vụ tài chính đối với NSNN và các khoản thu qua giá xăng dầu khác cho Nhà nước (như thuế, phí, và các khoản thu khác cho NSNN), do Nhà nước quy định và linh hoạt điều chỉnh cho từng thời điểm, đối tượng cụ thể.

Khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được toàn quyền điều chỉnh giá các yếu tố cấu thành phần mềm phù hợp với những biến đổi khách quan thực tế trong khoảng thời gian tối thiểu (ví dụ, 1 tuần hoặc ngắn hơn). Hơn nữa, họ còn có quyền điều chỉnh linh hoạt giảm dưới mức tối đa các khoản lãi định mức hay các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được Nhà nước quy định để hấp dẫn người tiêu dùng và tăng sự cạnh tranh thị trường với nhau trong kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm bóc tách và xây dựng cơ chế mới bảo đảm sự độc lập và minh bạch hơn giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị về dự trữ bảo đảm an ninh xăng dầu quốc gia, với quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm về dự trữ thương mại vì mục tiêu kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Điều này là cần thiết để tránh sự mập mờ và lạm dụng vì lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong kinh doanh xăng dầu.

Linh Linh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều