Cẩn trọng giả mạo ngân hàng thời Covid

09:00 | 22/04/2020

Vietcombank mới đây phát đi cảnh báo cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng thận trọng trước các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 lừa đảo khách hàng.

Nhiều khách hàng cũng phản ánh về tình trạng này. Chẳng hạn như trường hợp của anh Trần Xuân Thái (Q.5, TP.HCM) khi bỗng dưng anh nhận được một cuộc gọi với đầu số lạ tiếp thị mở thẻ tín dụng từ xa với lý do đang trong thời kỳ giãn cách xã hội nên nhân viên ngân hàng không đến tận nhà giao dịch với khách hàng. Nếu đồng ý mở thẻ, anh chỉ cần khai báo thông tin qua điện thoại hoặc gửi vào qua thư điện tử (email) thông tin thu nhập hàng tháng, ngay lập tức ngân hàng sẽ gửi thẻ đến và thu 200.000 đồng tiền phí thường niên. Nghi ngờ số máy lạ, anh Thái đã dừng cuộc đàm thoại và gọi cho số máy 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cho người dùng điện thoại tố cáo tội phạm mạng.

can trong gia mao ngan hang thoi covid
Ảnh minh họa

Trên thực tế, hiện nay một số ngân hàng có triển khai việc mở thẻ cho khách hàng từ xa và sau đó cho nhân viên đến nhà khách hàng nhận hồ sơ thông tin lấy chữ ký, nhưng không thu phí qua hình thức chuyển khoản hay thu phí tiền mặt khi giao thẻ. Với thẻ tín dụng phát hành lần đầu, hầu hết các ngân hàng trong nước đều miễn phí thường niên năm đầu, các năm tiếp theo (nếu chủ thẻ còn sử dụng) sẽ thu phí ngay trên hệ thống thẻ bằng cách cấn trừ trên dư nợ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng tội phạm vẫn lợi dụng những người không nắm rõ về quy định phát hành thẻ ngân hàng để thực hiện hành vi giả mạo cán bộ ngân hàng để lừa đảo trục lợi.

Theo Vietcombank, tội phạm lợi dụng giãn cách xã hội, gọi điện thoại giả mạo dưới phương thức là bộ phận hỗ trợ công nghệ cho những người làm việc từ xa. Theo đó, chúng còn lừa người dân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản của người dân.

Đặc biệt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đối tượng tội phạm còn sử dụng nhiều hình thức khác nhau để lừa người dân. Phổ biến nhất là giả mạo các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh như Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia, Bộ Y tế... gửi email có chủ đề liên quan đến Covid-19 như “Cập nhật thông tin về Covid-19”, “Bán bộ Kit test nhanh Covid-19” hoặc “Khai báo y tế liên quan đến Covid-19”… đính kèm tệp tin chứa virus, mã độc hoặc đường link dẫn tới địa chỉ website, ứng dụng có lưu trữ các tệp tin chứa virus, mã độc. Người nhận email mở tệp tin hoặc truy cập vào đường link hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus, mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người nhận email và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Bên cạnh đó, tội phạm gửi tin nhắn văn bản, tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán... và yêu cầu người nhận thực hiện cung cấp thông tin trên website giả mạo, từ đó tội phạm đánh cắp thông tin này để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, tội phạm lợi dụng các website quyên góp từ thiện liên quan đến dịch Covid-19 để cài mã độc lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, NHNN Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán và chi nhánh các tỉnh, thành phố cần tổ chức thực hiện tuyên truyền phổ biến cho người dân nắm bắt được các thủ đoạn của tội phạm mạng lợi dụng kênh thanh toán của ngân hàng để lừa đảo người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, NHNN chi nhánh thành phố đã chủ động theo dõi, giám sát, hướng dẫn các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán đến người dân. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến thông tin về dịch vụ thanh toán ngân hàng để người dân sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán an toàn. “Người dân không cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán, thuê cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua bán thông tin ví điện tử… vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán thẻ ngân hàng ví điện tử vào các mục đích vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo.

Về phía các ngân hàng như Vietcombank cũng lưu ý, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật, nên người dùng dịch vụ ngân hàng phải tuyệt đối giữ kín thông tin cá nhân liên quan đến mã tài khoản, mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, số thẻ, ngày hết hạn in trên thẻ, số CVV thẻ, mã OTP cho bất kỳ ai.

Minh Phương

Tin đọc nhiều