Cẩn trọng hơn trong giao thương quốc tế

15:10 | 23/09/2022

Do tình trạng lừa đảo trong giao dịch quốc tế gia tăng nên các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp trong nước áp dụng phương thức, điều kiện thanh toán phổ biến và an toàn như thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận tại các ngân hàng quốc tế uy tín để được ngân hàng bảo lãnh; hạn chế cho phép trả chậm...

Ông Đặng Khánh Linh, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, cùng với sự hồi phục của kinh tế thế giới sau đại dịch, công nghệ thông tin phát triển khiến các hành vi gian lận thương mại ngày càng diễn ra phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi hơn.

Chỉ ra xu hướng lừa đảo trên mạng ngày càng tăng, ông Linh cho biết tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, như Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy...

can trong hon trong giao thuong quoc te
Ảnh minh họa.

Có bốn hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến. Một là thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch. Nguyên nhân do hiện thủ tục lập doanh nghiệp tại một số nước, gồm cả các nước phát triển trong EU khá đơn giản và dễ dàng, đặc biệt các công ty TNHH. Đó là điều kiện để các đối tượng tận dụng để thực hiện lừa đảo. Năm 2021, có hơn 40 trường hợp giả mạo doanh nghiệp Na Uy để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam trong mua, bán thủy hải sản, thiệt hại vài nghìn USD mỗi vụ việc.

Hình thức lừa đảo thứ hai là nêu các khó khăn, viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện hợp đồng, không thanh toán, không chuyển hàng như đã thỏa thuận. Như doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác Algeria ép giảm giá, không nhận hàng sau khi hàng đến cảng với lý do giá hàng xuống thấp hoặc tìm được mối mua rẻ hơn. Hay trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu bị đối tác ngắt liên lạc và không nhận hàng tại Brazil, bị đối tác Hàn Quốc trì hoãn giao hàng và không hoàn trả đặt cọc…

Thứ ba là giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hoá mà không thanh toán. Như năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam liên hệ qua Internet và thống nhất bán 01 container hạt tiêu đen trị giá hơn 61.000 USD cho một đối tác Senegal với hình thức thanh toán cash against documents 100% bị lừa chuyển chứng từ gốc và không nhận được tiền. Khi ngân hàng bên bán liên lạc với ngân hàng bên mua thì được thông báo là người ký nhận bộ chứng từ không làm việc tại ngân hàng đó. Đối tượng lừa đảo còn có thủ đoạn đề nghị thay đổi điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán (với lý do phí ngân hàng cao), đề nghị gửi trước toàn bộ hay một phần vận đơn gốc (với lý do đẩy nhanh các thủ tục xin cấp phép nhập khẩu) để lừa đảo.

Ngoài ra, còn có thủ đoạn lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu. Như một số doanh nghiệp được mời tham gia các gói thầu ở châu Phi, sau đó nhận được thông báo trúng thầu và được đề nghị chuyển phí hoàn tất thủ tục đấu thầu. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt liên lạc.

Nguyên nhân xảy ra các vụ việc này không chỉ vì khoảng cách địa lý; đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải giao dịch qua Internet, tạo thuận lợi cho các hành vi lừa đảo, mà sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch; dành nhiều điều kiện ưu đãi cho đối tác, nhất là về hình thức thanh toán để xuất khẩu.

Để hạn chế các rủi ro này, ông Linh đề xuất doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín, qua giới thiệu của bộ, ngành, các cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại... Nếu tìm đối tác qua mạng Internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước để kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác; tối ưu nhất là thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại sở tại hoặc đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xác minh trước khi đàm phán, ký hợp đồng lớn.

Do tình trạng lừa đảo trong giao dịch quốc tế gia tăng nên các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp trong nước áp dụng phương thức, điều kiện thanh toán phổ biến và an toàn như thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận tại các ngân hàng quốc tế uy tín để được ngân hàng bảo lãnh; hạn chế cho phép trả chậm. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng công cụ bảo hiểm khác tùy theo mức độ đánh giá rủi ro giao dịch như tài trợ hóa đơn, bảo lãnh ngân hàng, bảo hiểm tín dụng thương mại… Tuy nhiên, với các phương thức trên, mức độ an toàn và hỗ trợ càng cao thì chi phí càng đắt đỏ.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cần nắm chắc các nguyên tắc, thông lệ thương mại quốc tế, vai trò, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Đồng thời cần bổ sung các điều khoản bảo vệ mình trong hợp đồng như: quy định rõ cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp và các thời điểm chuyển chứng từ gốc, chuyển quyền sở hữu lô hàng, hiệu lực hợp đồng; Không thay đổi điều khoản hợp đồng sau khi đã ký kết và đã chuyển hàng. Doanh nghiệp cũng nên chủ động thuê tàu vận chuyển hàng và xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF để có quyền kiểm soát tốt hơn chứng từ gốc.

Về phía các bộ, ngành chức năng cũng cần tăng cường thông tin, cảnh báo cho doanh nghiệp về các tổ chức, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp, các hình thức lừa đảo mới; Tăng cường công tác vận động chính trị - đối ngoại; Giới thiệu các hiệp hội, luật sư Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới hỗ trợ thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều