“Quá nhanh, quá nguy hiểm”
Chỉ cần đăng vào một nhóm cho vay online trên Facebook muốn vay một số tiền nhất định, ngay lập tức sẽ có hàng chục người với danh nghĩa là nhân viên của app cho vay tiền online nhắn tin và đưa cho bạn những lời chào mời hấp dẫn. Chẳng hạn như cho vay chỉ trong vòng 5 phút, nhận tiền ngay trong ngày, vay không cần tài sản thế chấp, lãi suất 0% hay thậm chí có app còn quả quyết sẽ không liên hệ với người thân để đòi nợ. Với mức lãi suất được đưa ra luôn dưới 20% - mức bị liệt là cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen. Và đến khi “con mồi” đã sập bẫy, ngay lập tức hàng loạt chi phí phát sinh được liệt kê, dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp.
Bạn Vũ Thị Lệ, sinh viên của một trường đại học, cho biết: Thời gian trước, mình cần vay 2 triệu để đóng học phí. Thấy trên Facebook nhiều nhóm cho vay online, mình đã đăng kí vay với thời gian là 20 ngày. Sau khi cung cấp ảnh chứng minh thư, Facebook cá nhân, mình được phê duyệt vay và nhận tiền ngay trong ngày nhưng chỉ có 1,4 triệu đồng. Khi hỏi lại, bên vay có trả lời là phí hồ sơ, tiền quản lý vay…
Vay online tuy nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng |
Mặc dù quảng cáo cho vay với lãi suất 0% nhưng Lệ vẫn mất tới 600.000 đồng cho các khoản phí trong vòng 20 ngày, tương đương với lãi suất lên đến 69%/tháng, tức khoảng 831%/năm.
Không chỉ vậy, nhiều app còn thu thập thông tin của người vay, sau đó sẽ báo không đủ điều kiện vay để lấy thông tin khách hàng đi vay chỗ khác. Chỉ khi nhận được thông báo trả nợ, nhiều người mới vỡ lẽ đã sập bẫy.
Vừa qua, Bộ Công an đã có cảnh báo người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện.
Cụ thể, các đối tượng đã cho vay qua ứng dụng (app, web) trên mạng Internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Cần cẩn trọng tránh tín dụng đen
Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, các app cho vay trực tuyến đang như “nấm mọc sau mưa”, xuất hiện ngày càng nhiều với đủ mọi hình thức. Thực tế, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo NHNN, bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending, lợi dụng điều này, nhiều app cho vay đã có nhiều chiêu trò để cho vay với lãi suất cắt cổ.
Theo các chuyên gia kinh tế, hơn ai hết chính khách hàng là người tự bảo vệ mình khi vay tiền qua các app online, cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, website hoặc ứng dụng cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Bên cạnh đó, đơn vị cho vay có cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng tham khảo trước khi xác nhận giao dịch hay không cũng là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín. Một số biểu hiện như thông tin công ty mập mờ, không cung cấp hợp đồng vay, thu trước phí hồ sơ, lãi suất và mức phí cao… là những điều người dùng phải thực sự cân nhắc để tránh những rủi ro đáng tiếc. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống, vay từ các ngân hàng hoặc các công ty tài chính được cấp phép để đảm bảo an toàn.
Quỳnh Trang