TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Không chỉ thành lập công ty tài chính chuyên biệt hoá cho vay tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm tăng doanh thu hoạt động, các NH còn lên kế hoạch thành lập hoặc mua lại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Vì sao NH lại thay đổi “khẩu vị” và điều này có tác động thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với chuyên gia NH TS. Nguyễn Trí Hiếu về động thái mới này.
Vì sao các NH lại có ý định đầu tư mạnh vào lĩnh vực bảo hiểm, thưa ông?
Đến thời điểm này, có thể nói ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển khá chậm, sản phẩm chưa đa dạng và chỉ dành cho một vài loại hình kinh doanh và đối tượng kinh tế. Không chỉ nhiều người dân Việt Nam chưa có bảo hiểm nhân thọ, mà ngay cả NH cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Rất nhiều NH cho vay bất động sản mà chẳng bao giờ họ đòi hỏi khách hàng phải mua bảo hiểm cháy nổ. Trong khi đó cháy nhà xảy ra bất cứ lúc nào và không phải hiếm gặp với những thiệt hại lớn. Có thể không phải vì NH không nhận ra điều này, nhưng nếu đòi hỏi yêu cầu trên thì hầu hết khách hàng không hội đủ điều kiện…
Chính vì từ dân chúng đến tổ chức kinh tế đều không quan tâm, nhận thức đầy đủ đến tầm quan trọng của bảo hiểm nên ngành này chưa phát triển mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng phát triển vấn đề bảo hiểm sẽ càng trở nên quan trọng và dù muốn hay không thì người dân, tổ chức kinh tế… cũng phải mua bảo hiểm. Và NH nhận ra tiềm năng trong tương lai của ngành bảo hiểm nên họ tăng đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông có nghĩ rằng, trong tương lai hoạt động này có thể là xu hướng thị trường?
Tôi nghĩ hoạt động trên khó trở thành một xu hướng mà chỉ là diễn ra ở một vài NH. Đối với việc mở rộng lĩnh vực bảo hiểm thì theo tôi chỉ phù hợp với những NH có vốn mạnh, phát triển bền vững, ổn định và cũng có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, họ mới xây dựng hoặc mua lại các công ty bảo hiểm nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu lợi nhuận.
Hiện nhu cầu mua bảo hiểm chưa nhiều. Việc mở rộng lĩnh vực này liệu có giúp NH tăng doanh thu?
Việc mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm không những giúp NH tạo ra doanh thu mới mà còn tạo cơ hội cho họ mở rộng cơ sở khách hàng. Và một lợi thế nữa khi mở rộng đầu tư bảo hiểm, cùng với những lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ sẵn có, NH đó hoàn toàn có thể trở thành một tập đoàn tài chính đa năng. Hay nói ví von: tập đoàn này được coi là một siêu thị, khi vào trong đó khách hàng có thể tìm kiếm được tất cả mọi thứ mình cần tại “trung tâm mua sắm” này, từ việc đi vay cho đến bảo hiểm, tài trợ bất động sản…
Tuy việc NH thành lập hoặc mua lại công ty bảo hiểm nằm trong chức năng tài chính của họ và có những lợi thế nhất định, nhưng cũng không ít bất lợi trong việc NH đẩy mạnh mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm. Vì thế, các NH cần phải thận trọng khi thực hiện chiến lược mới này.
Ảnh minh họa |
Ông có thể nói cụ thể hơn những bất lợi này?
Thứ nhất, NH muốn có công ty bảo hiểm qua việc mua lại hoặc thành lập mới phải là những NH mạnh, có vốn chủ sở hữu rất dồi dào. Còn nếu những NH vừa mới đủ vốn để đạt được chỉ tiêu an toàn vốn – CAR hoặc đang trong giai đoạn củng cố lại nền tảng tài chính thì chưa nên vội vã đầu tư, chia phần vốn vào loại hình kinh doanh này.
Thứ hai, đây là sân chơi mới đối với các NH và họ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong khi đây là lĩnh vực đặc thù nên những người làm về bảo hiểm cần được huấn luyện đào tạo bài bản, dày dặn kinh nghiệm mới hạn chế được rủi ro. Bởi cả hai loại hình NH và bảo hiểm có điểm chung là đều kinh doanh rủi ro. Nhưng rủi ro của bảo hiểm được quản lý, kiểm soát, tính toán với những công thức hoàn toàn khác biệt với NH. Nên NH muốn đi vào lĩnh vực bảo hiểm phải có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên viên kỳ cựu, có kinh nghiệm hoạt động cả chục năm rồi mới có thể giúp cho NH kinh doanh bảo hiểm hiệu quả. Còn nếu NH chưa có năng lực tài chính cũng như nhân sự mà đã vội mạnh dạn nhảy vào lĩnh vực này thì tôi cho rằng, cái chết chờ trước mắt rồi.
Tất nhiên các NH bao giờ cũng dành cho công ty con một số vốn nhất định và nếu công ty này hoạt động thua lỗ cũng chỉ thiệt hại trong phạm vi hoạt động của nó. Thế nhưng, chúng ta không thể loại trừ khả năng sự thương tổn sẽ lan tỏa và cuối cùng là gây hại chung cho cả NH.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Huyền thực hiện