Cẩn trọng với thủ thuật lừa đảo online

14:00 | 12/07/2018

Sẽ có rất nhiều hình thức lừa đảo tinh vi không lần nào giống lần nào. Người sử dụng phải rất cẩn thận với tài sản để trên mạng này.

Cảnh giác với các giao dịch lừa đảo
Cảnh báo chiêu lừa đảo mới qua Internet Banking
Techcombank cảnh báo khách hàng hành vi lừa đảo qua tin nhắn giả mạo

Coi trọng những thông tin cảnh báo

Trong 1 tháng trở lại đây, hơn 30 ngân hàng lớn nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam đồng loạt gửi tin nhắn và email cho khách hàng để cảnh báo về phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm tội phạm công nghệ cao.

Theo nội dung email mà HDBank gửi đến chủ tài khoản là hiện có rất nhiều đối tượng lừa đảo mạo danh công an, điều tra viên, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện đến bị hại lấy lý do cần kiểm tra, xác minh giám định một món tiền nào đó có liên quan đến đường dây tội phạm hay không. Qua đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu người bị hại ra ngân hàng mở tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking nhưng sử dụng số điện thoại do kẻ lừa đảo cung cấp. Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển/nộp tiền vào tài khoản vừa mở và cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu để giám sát tài khoản. Sau đó, các đối tượng lừa đảo thực hiện đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

can trong voi thu thuat lua dao online
Khách hàng cùng ngân hàng hợp tác để hạn chế tội phạm phát triển

Khách hàng cùng ngân hàng hợp tác để hạn chế tội phạm phát triểnMột số ít ngân hàng khác thời sự hơn khi đưa ra một số câu chuyện thí dụ chi tiết về quy trình lừa đảo của bọn tội phạm. Trong đó, có một chi tiết mới mà ngân hàng khuyến cáo người tiêu dùng phải cẩn thận, tránh bị dụ dỗ từ các thông tin mở tài khoản với mục đích “đầu tư định cư nước ngoài”.

Đơn cử, Techcombank gửi email cho chủ tài khoản cảnh báo rất nhiều tội phạm sử dụng chiêu thức tư vấn định cư qua email để lôi kéo sự chú ý và niềm tin của chủ tài khoản. Sau một thời gian trao đổi thông tin như một đối tác tư vấn dịch vụ, nhóm này dùng nhiều thủ thuật để đánh cắp thông tin tài khoản rồi thực hiện hành vi đánh cắp tiền trong tài khoản mà chủ tài khoản không hề hay biết.

Mới đây, chủ tài khoản còn bàng hoàng hơn khi nhận được thông tin từ Nam A Bank là đối tượng lừa đảo bây giờ đã “chơi lớn” hơn, chọn DNNVV làm đối tượng mục tiêu.

Theo đó, nhóm tội phạm thường xuyên gửi email chào hỏi, tìm kiếm đối tác nhằm xâm nhập vào hệ thống email của khách hàng hoặc đối tác để thay đổi thông tin về người thụ hưởng trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hay các chứng từ. Một số dấu hiệu đối tượng lừa đảo qua email thường dùng là hợp đồng và các giao dịch liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đều thực hiện qua email, không xác nhận giao dịch bằng các hình thức khác (như điện thoại, fax…). Bên nhận tiền yêu cầu chuyển tiền thanh toán tới một tài khoản mới hoặc quốc gia khác với những lần trước đó hoặc chỉ dẫn thanh toán qua các ngân hàng nội địa có quy mô nhỏ, các quỹ tín dụng để tận dụng hệ thống thanh toán tự động và không có mạng lưới đại lý rộng rãi; chỉ dẫn thanh toán qua một ngân hàng ở Mỹ hay ở Đức trong khi người nhận ở Ý…

Thực ra không khó hiểu lý do vì sao mà các ngân hàng lại đồng loạt gửi tin nhắn/email để cảnh báo chủ tài khoản thận trọng hơn khi giao dịch ở thời điểm này. Đó là bởi giới tội phạm công nghệ ngày càng hoạt động mạnh cùng sự bùng nổ của công nghệ hiện nay. Ngay cả những ngân hàng có nền tảng giao dịch điện tử được đánh giá là tốt như Đông Á, VCB, Eximbank… cũng đã bị tội phạm len lỏi vào. Với tình hình hiện tại, chính các ngân hàng cũng đang cảm thấy khó khăn trong việc đối phó với tội phạm.

Thế nên, mỗi ngân hàng đều đang phải rà soát lại mọi quy trình giao dịch điện tử để “vá” lại những lỗ hổng công nghệ. Song song đó, để hạn chế rủi ro cho khách hàng, các ngân hàng liên tục gửi thông tin đến từng chủ tài khoản để nhắc nhở nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tạo nên “vòng kim cô”

Nói như một lãnh đạo phụ trách mảng thanh toán của NHTMCP vừa và nhỏ, nền tảng công nghệ hiện nay của các ngân hàng về cơ bản đều đã và đang áp dụng các công nghệ giống hầu hết các tổ chức tài chính và theo chuẩn hệ thống CNTT trên thế giới. Các giao dịch điện tử cũng đã áp dụng xác thực từ 2 đến 3 nhân tố như các nước khác, thậm chí còn chặt hơn. Tuy nhiên, phần mềm có hiện đại tới đâu cũng không thể bảo mật được 100% nếu không có sự hợp tác của khách hàng.

Vị này đưa ra thí dụ rằng, một chủ DN kinh doanh túi xách nhập khẩu từ Malaysia mở tài khoản tại ngân hàng A. Thông thường, mọi giao dịch phát sinh của DN đều được ngân hàng thông báo qua email tại địa chỉ do DN đăng ký. Thế nhưng có một ngày, DN làm lộ thông tin tài khoản email và nhóm tội phạm đã gửi email giả mạo với nội dung thông báo giao dịch thanh toán trước đó của DN bị đánh cắp, tài khoản của DN bị khóa để yêu cầu chủ tài khoản phải cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin để kích hoạt hoặc mở lại tài khoản… Với thủ thuật này, DN nếu không tỉnh táo sẽ cung cấp thông tin và đánh mất tài khoản trong chớp mắt.

Với tất cả các lý do trên, với mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, bên cạnh việc rà soát nâng cấp hạ tầng công nghệ cũng như vấn đề an toàn, bảo mật của mình, các ngân hàng cũng thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo, cảnh với kỳ vọng, khách hàng cũng nên có những chuẩn bị tốt để không trở thành miếng mồi ngon cho giới tội phạm.

Cụ thể, theo vị lãnh đạo ngân hàng nêu trên, nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo là do người dân còn thiếu cảnh giác, cả tin. Do đó, trong mọi trường hợp, chủ tài khoản không đưa bất kỳ thông tin cá nhân nhạy cảm nào cho người khác, kể cả những người thân bên cạnh khi không cần thiết.

Đồng thời, mỗi chủ tài khoản cũng nên thực hiện lại một vài thao tác như: mua phần mềm diệt virut chính hãng cho các thiết bị máy tính, điện thoại; từ chối đăng nhập vào các trang web từ đường link lạ có chứa mã độc; không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu email, Facebook bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...); thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập, các dịch vụ ngân hàng điện tử/thẻ, email, các tài khoản icloud, Facebook…

Nhìn chung, mỗi một sự việc mất mát xảy ra, các bên đều phải chung tay rút ra kinh nghiệm phòng ngừa tốt nhất cho mình. Nói như các chuyên gia tài chính, cùng với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo công nghệ cao cũng gia tăng về số lượng lẫn hình thức. Theo đó, sẽ có rất nhiều hình thức lừa đảo tinh vi không lần nào giống lần nào. Người sử dụng phải rất cẩn thận với tài sản để trên mạng này.

Không chỉ khách hàng, giới chuyên môn cũng khuyến nghị các ngân hàng cần tiếp tục nâng cấp hệ thống an ninh bảo mật, áp dụng bảo mật nhiều lớp với nhiều hình thức, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Hiện mới có một số rất ít ngân hàng áp dụng hình thức gọi điện thoại xác nhận sau giao dịch với khách hàng. “Nếu ngân hàng chịu khó xác nhận ngay với khách hàng trước khi thực hiện chuyển tiền thì điều đáng tiếc khó có thể xảy ra”, một chuyên gia nhận xét.

Cũng theo vị này, hiện vẫn còn một số ngân hàng xác nhận rất sơ xài đối với các giao dịch thanh toán online như chỉ hỏi số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh. Trường hợp chủ tài khoản bị mất ví trong đó có chứa đựng mọi thông tin, thì rất dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để lừa đảo.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều