Cần tư duy rộng hơn khi chuyển đổi số

12:00 | 18/10/2019

Bài toán kinh doanh thành công trong thời đại số sẽ phụ thuộc vào khả năng ứng dụng các công nghệ phù hợp, phát triển nhân lực tài năng và thực hành quản trị công ty tốt trong mỗi doanh nghiệp.

Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong CMCN 4.0
Trải nghiệm dịch vụ ngân hàng hiện đại
Nhân lực tài chính - ngân hàng thời 4.0: Thay đổi tư duy, cách thức quản trị

Đó là nhận định của các chuyên gia PwC Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Giảm chi phí, nâng cao hiệu quả

Theo khảo sát CMCN 4.0 của PwC năm 2018, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng rằng CMCN 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa. Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 cũng chia sẻ quan điểm tích cực này.

can tu duy rong hon khi chuyen doi so
Hiệu quả hoạt động cao hơn nhờ số hóa và tự động hóa

“Cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đều đang đón nhận cuộc CMCN 4.0 một cách rất tích cực và đây là một tín hiệu đáng mừng. Các doanh nghiệp sẽ cần đưa ra những nỗ lực phù hợp dựa trên sự quyết tâm và cam kết đó”, ông Võ Tấn Long - Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam chia sẻ tại phiên tọa đàm về tác động của đổi mới khoa học - công nghệ.

Theo ông Võ Tấn Long, việc áp dụng các công nghệ mới là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả, các lãnh đạo doanh nghiệp cần coi chuyển đổi kỹ thuật số là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp.

Hiện có nhiều khá định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới; hay chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Cũng có ý kiến lại cho rằng, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Thế nhưng dù là với cách hiểu nào thì chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Cần tiếp cận toàn diện

Nhấn mạnh tới cách tiếp cận toàn diện khi chuyển đổi doanh nghiệp cho thời đại kỹ thuật số, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động trở thành động lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 22.000 người lao động tại 11 quốc gia, đa số những người được khảo sát (61%) nhìn nhận tích cực về các tác động của công nghệ lên công việc hàng ngày của họ. Tuy nhiên, chỉ có một phần ba trong số những người được hỏi cho biết họ đang nhận được cơ hội để phát triển các kỹ năng kỹ thuật số bên ngoài khuôn khổ các công việc hàng ngày.

“Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự hiện tại là một nhiệm vụ cần thiết. Các doanh nghiệp nên trao cho người lao động cơ hội để trang bị các kiến thức, kỹ năng và công cụ giúp họ nắm bắt được các công nghệ tiên tiến và các xu hướng luôn đổi thay”, bà Quỳnh Vân nhận định và cho rằng: Con người có khả năng thích nghi cao trong môi trường phù hợp. Do vậy, các doanh nghiệp nên tìm cách tạo điều kiện và khai thác được khả năng thích nghi đó một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh yếu tố công nghệ và nhân lực thì năng lực quản trị tiếp tục là một trụ cột thiết yếu cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện tại cũng như nền kinh tế số mà Việt Nam đang hướng tới trong tương lai gần. Có thể khẳng định, quản trị là một mắt xích yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm một cách sâu sắc hơn trong thời gian tới.

“Yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà thế giới đang thay đổi nhanh chóng và các mối đe dọa an ninh mạng và bất ổn chính sách đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có khả năng đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên có quyền lợi liên quan sẽ là những doanh nghiệp gặt hái được ưu thế về tính cạnh tranh và uy tín, qua đó tiếp cận được nhiều cơ hội kinh doanh hơn”, bà Quỳnh Vân chia sẻ.

Mai Ngọc

Tin đọc nhiều