Cần vốn lập nghiệp, thanh niên có thể “gõ cửa” NHCSXH

09:18 | 07/07/2016

Những nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục vay vốn đối với thanh niên đã được giải đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Vốn chính sách đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức ngày 5/7.

Thủ tục để vay vốn ưu đãi

Một bạn đọc hỏi: Là đoàn viên thanh niên, để vay được vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH và thuận tiện hơn trong quá trình vay vốn, xin hỏi quy trình và trình tự thủ tục vay vốn thế nào? Khi gặp những khó khăn trong thủ tục vay vốn có thể liên hệ, phản ánh tới đâu để được hỗ trợ? Đây cũng là câu hỏi đang được nhiều bạn trẻ tuổi quan tâm.

can von lap nghiep thanh nien co the go cua nhcsxh
Thanh niên gặp khó khăn trong thủ tục vay vốn có thể phản ánh với NHCSXH

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Văn Thuấn, Phó Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách (NHCSXH) cho biết, đoàn viên, thanh niên là người lao động khi vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Quy trình và trình tự thủ tục vay vốn được ông Bùi Văn Thuấn cho biết, về hồ sơ vay vốn (lập 2 bộ) gồm: Người lao động trực tiếp vay vốn: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp (Mẫu số 01a ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐ-TB-XH); Hộ gia đình vay vốn cho người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp (Mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐ-TB-XH);

Bản sao (có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc do cơ quan có thẩm quyền cấp) giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định (nếu có), gồm: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân đối với người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) cấp đối với người lao động là người khuyết tật. Đối với hộ gia đình vay vốn cho người lao động thì người lao động phải có giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên.

Về quy trình cho vay, theo ông Bùi Văn Thuấn, đối với người vay thông qua hộ gia đình hoặc người lao động vay vốn từ nguồn vốn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Hội người mù Việt Nam quản lý, quy trình cụ thể như sau: Người đại diện hộ gia đình viết Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về cư trú hợp pháp tại địa phương (Mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT- BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐ - TB -XH) hoặc người lao động viết Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về cư trú hợp pháp tại địa phương (Mẫu số 01a ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT- BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐ - TB - XH);

Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định gửi NHCSXH nơi cho vay… Đối với người lao động vay vốn thuộc nguồn vốn do: UBND cấp tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý, quy trình cụ thể như sau: Người đại diện hộ gia đình viết Giấy đề nghị vay vốn theo (Mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐ - TB - XH);

Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định gửi Tổ TK&VV; Tổ TK&VV nhận hồ sơ của người vay, tiến hành họp Tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên hồ sơ vay vốn, sau đó, Tổ trưởng tổ TK&VV trình tổ chức chính trị - xã hội cấp xã được NHCSXH ủy thác để tiến hành thẩm định…

Nhận được hồ sơ vay vốn do Tổ TK&VV gửi đến, cán bộ NHCSXH nơi cho vay được Giám đốc phân công thực hiện kiểm tra đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn trình Trưởng phòng (Tổ trưởng) tín dụng kiểm soát, sau đó trình giám đốc NHCSXH nơi cho vay ký duyệt để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt cho vay; Sau khi có quyết định cho vay của cấp có thẩm quyền, cán bộ NHCSXH nơi cho vay hướng dẫn người vay lập Sổ vay vốn, trình Giám đốc phê duyệt giải ngân.

Sau khi phê duyệt, NHCSXH nơi cho vay lập thông báo kết quả phê duyệt giải ngân (Mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã; UBND cấp xã căn cứ (Mẫu số 04/TD) thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ thác) để thông báo cho Tổ TK&VV thông báo cho người vay đến điểm giao dịch xã để làm thủ tục nhận tiền vay.

“Khi gặp những khó khăn trong thủ tục vay vốn, khách hàng có thể liên hệ, phản ánh trực tiếp với Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện nơi khách hàng cư trú hợp pháp để được hướng dẫn” – ông Bùi Văn Thuấn cho biết.

Tư vấn thanh niên khởi nghiệp

Bạn Bá Phúc (Hà Nội) hỏi: hiện tại em đang làm kinh tế tại gia đình. Em đang cần thêm nguồn vốn để mở rộng việc chăn nuôi. Vậy làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn này và thực hiện những thủ tục cần thiết gì để được vay vốn?

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Lan Hương, Phó Giám đốc Tín dụng người nghèo (NHCSXH) cho biết: Hộ gia đình bạn phải thuộc đối tượng được vay vốn NHCSXH và phải là thành viên Tổ TK&VV trên địa bàn đang sinh sống và được Tổ trưởng Tổ TK&VV hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn.

Về hồ sơ, hộ gia đình chỉ lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi cho Tổ TK&VV. Hộ vay không phải đến UBND cấp xã hay lên NHCSXH để nộp hồ sơ, các bước hoàn thiện thủ tục và gửi hồ sơ vay vốn lên NHCSXH do Tổ trưởng tổ TK&VV đảm nhiệm.

Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn tổ chức họp để bình xét những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách mẫu 03/TD trình UBND cấp xã xác nhận là đối tượng được vay và cư trú hợp pháp tại xã.

Khi được NHCSXH xem xét phê duyệt, thông báo cho Tổ trưởng để báo lại cho hộ vay về thời gian, địa điểm đến nhận tiền vay từ NHCSXH. Đến ngày giải ngân, NHCSXH sẽ về điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã để phát tiền vay.

Trước băn khoăn của bạn đọc Khuất Thị Minh, ở Hà Tĩnh về việc muốn khởi nghiệp một dự án trồng trọt chăn nuôi sạch và để vay được vốn ưu đã từ NHCSXH, cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ra sao?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, hoan nghênh ý tưởng của bạn Minh khởi nghiệp với dự án trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học. Sản phẩm của dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội về thực phẩm sạch.

Để tiếp cận được vốn, thứ nhất em nên chuẩn bị các điều kiện: xác định mô hình em muốn làm đạt mức nào (hộ kinh doanh, tổ kinh doanh, hợp tác xã kinh doanh, doanh nghiệp...

“Em phải làm các thủ tục đăng ký sản phẩm đạt chuẩn tại Phòng nông nghiệp ở địa phương về rau sạch và chăn nuôi an toàn sinh học. Tìm hiểu về cơ chế cho vay theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về Chính sách tạo việc làm. Em có thể làm hồ sơ trực tiếp tại NHCSXH cấp huyện hoặc làm việc với tổ chức Đoàn ở địa phương để được tư vấn thêm” – ông Nguyễn Quốc Văn nói.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Tin đọc nhiều