Anh NTD (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết có nhận được một email với nội dung “Thông tin cập nhật diễn biến dịch Covid-19”, yêu cầu anh click vào đường link đính kèm để được cung cấp thông tin thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi truy cập vào link, máy tính của anh bị chậm lại khác thường, ra hãng kiểm tra thì phát hiện đã bị mã độc xâm nhập và có khả năng bị đánh cắp thông tin.
Gia tăng phát tán mã độc
Những trường hợp bị mất thông tin, thậm chí bị chiếm đoạt tài khoản qua các email hay tin nhắn có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Theo ghi nhận của thoibaonganhang.vn, trên mạng xã hội thời gian qua, nhiều người phản ánh tình trạng bị đánh cắp tài khoản ngân hàng sau khi đăng nhập vào các đường link được giới thiệu là liên quan đến thông tin và phòng chống dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Công ty BKAV vừa cảnh báo, dịch virus corona đang bị hacker lợi dụng để tấn công người dùng. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, hàng loạt email được gửi đi với logo của các tổ chức y tế, cơ quan phòng chống dịch, kèm đường link nhận thông tin cập nhật về Covid-19. Khi người dùng truy cập đường link thì lập tức truy cập đến một website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng.
Tương tự, IBM X-Force đã khuyến cáo về tình trạng hacker gửi thư tới người dùng kèm đường link “cập nhật tình hình lây lan của virus”, “hướng dẫn phòng chống Covid-19”, rồi lây nhiễm mã độc vào smartphone, máy tính của người dùng.
Theo Hãng bảo mật Kaspersky, các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu có định dạng “pdf”, “mp4”, hoặc “docx”. Tên của tệp thường thể hiện nội dung liên quan đến hướng dẫn cách bảo vệ khỏi virus, cập nhật mối nguy hại, thậm chí là quy trình phát hiện virus corona...
Anton Ivanov, chuyên gia phân tích mã độc của Kaspersky cho biết tính đến nay, Kaspersky đã phát hiện 10 tệp mã độc máy tính có liên quan đến virus corona.
Cảnh báo từ ngân hàng
Trước tính hình này, mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có cảnh báo đến khách hàng.
VietinBank cho biết trong đợt bùng phát dịch Covid-19 này, các hacker đã lợi dụng việc cung cấp các thông tin liên quan đến dịch Covid-19 được thiết kế để lừa khách hàng nhấp vào các liên kết nguy hiểm, mở các tệp đính kèm độc hại và cung cấp thông tin nhằm đánh cắp tài khoản, mật khẩu và thông tin của khách hàng.
Các nội dung lừa đảo (gửi qua email, tin nhắn) liên quan đến dịch Covid-19 có thể bao gồm các thông tin khơi gợi sự tò mò, lo lắng của khách hàng như: thông tin cập nhật tình hình lây lan dịch bệnh và số lượng người lây nhiễm, tử vong; những lời khuyên để giữ bảo vệ bản thân an toàn khỏi Covid-19; thông tin về quy trình phát hiện Covid-19; thông tin về thời gian ủ bệnh cũng như cách thức lây nhiễm bệnh.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo cũng có thể gọi điện thoại để lừa đảo “gây quỹ” cho các nạn nhân của dịch bệnh, VietinBank cho biết.
Dấu hiệu nhận biết
VietinBank cho biết, các email, tin nhắn lừa đảo thường có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong email. Khi truy cập vào đường link hoặc đơn giản chỉ cần nhấp chuột mở email, tin nhắn là thiết bị của người dùng đã có khả năng cao bị mã độc thâm nhập và đánh cắp thông tin cá nhân.
Một tin đăng tải gây kích thích người tiêu dùng do giá bán rẻ bất ngờ so với thị trường” - Ảnh minh họa |
Các đối tượng cũng có thể sử dụng các ứng dụng giả mạo giọng nói của chủ tài khoản, người thân (deepface, face voice ...) để thực hiện hành vi lừa đảo như yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã PIN, chuyển tài liệu mật ...
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản bằng các thông tin cá nhân/cung cấp các thông tin cá nhân như tên tài khoản Internet Banking và mã PIN để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản và tiền trên tài khoản của khách hàng.
Các ghi nhớ đặc biệt lưu ý
Trên thực tế hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đã có những cảnh báo và lưu ý rất cụ thể nhằm hướng dẫn khách hàng cách phòng tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo đánh cắp tiền qua tài khoản ngân hàng.
Mặc dù vậy, dịch Covid-19 hiện nay đã tạo ra những rủi ro mới cho khách hàng khi kẻ gian có thể lợi dụng tâm lý lo lắng, bất an của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Nhằm đối phó với hành vi lừa đảo mới trên, VietinBank đã đưa ra các cảnh báo cụ thể như khách hàng không nên mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ.
Đặc biệt, khách hàng cần hết sức cảnh giác với những email chứa các nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, ngân hàng cũng lưu ý không yêu cầu khách hàng phải cung cấp user, mật khẩu trong bất kỳ tình huống nào dưới bất kỳ hình thức nào (gọi điện, nhắn tin, email ...).
Thanh Tâm