Cảnh báo sớm gian lận trong ngân hàng

09:02 | 18/09/2015

EFD đưa ra những cảnh báo rất sớm để NH nhận diện những gian lận. Từ đó, NH đưa ra những biện pháp để điều tra tìm hiểu nguyên nhân và ngăn ngừa các rủi ro gian lận sẽ xảy ra trong tương lai.

canh bao som gian lan trong ngan hang
Ông Tim Philips

Vừa qua, NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Hãng Tư vấn - Kiểm toán Deloitte đã chính thức khởi động dự án “Tư vấn xây dựng phương pháp luận cho hệ thống cảnh báo sớm gian lận (EFD)” cho VietinBank. Hệ thống này có vai trò gì trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các gian lận trong hoạt động NH? Nó được xây dựng và vận hành như thế nào?

Để hiểu rõ hơn về hệ thống này, phóng viên TBNH phỏng vấn ông Tim Philips, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn về Phân tích và Điều tra của Deloitte khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống EFD hiểu một cách đơn giản là gì, thưa ông?

Bản chất của hệ thống EFD là giúp tổ chức và DN nhận diện và phát hiện sớm các gian lận tiềm tàng trong các hoạt động của mình để từ đó giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra. Đối với các NH, các gian lận ở đây được chia thành hai loại: gian lận nội bộ và gian lận bên ngoài. Gian lận nội bộ là do chính các nhân viên NH tự tạo ra để trục lợi, gian lận bên ngoài là các hành vi của khách hàng sử dụng các thủ thuật để rút tiền, thông tin và tài sản của NH.

Thông thường, gian lận nội bộ có tần suất xảy ra nhiều hơn và bắt nguồn từ các hành vi của các cán bộ NH. Khi muốn trục lợi, họ lập hồ sơ giả, cấu kết với khách hàng và tìm cách hợp lý hóa chuyển tiền ra bên ngoài hoặc họ có thể lợi dụng các điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ để trục lợi. Bản thân các cán bộ NH nắm rõ các thủ thuật để tạo ra gian lận, vì vậy phương pháp luận của chúng tôi sẽ giúp NH cảnh báo và phát hiện các hành vi gian lận bắt nguồn từ đâu và khi nào.

Cụ thể, Deloitte sẽ sử dụng các công cụ phân tích để kiểm tra hàng triệu giao dịch và kết quả sẽ phân tích đưa ra danh sách các giao dịch đáng ngờ, từ đó NH xem xét và điều tra xem liệu các giao dịch này có phải là các giao dịch tiềm ẩn gian lận hay không.

Hiện nay trên thế giới, các NH thường chú trọng đến quản trị rủi ro tín dụng hoặc phòng chống rửa tiền mà chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng hệ thống EFD. Trong khi, thực tế việc này có thể đem lại nhiều lợi ích giúp các NH có thể nhận diện và phát hiện sớm các gian lận tiềm tàng trong các hoạt động của NH để từ đó giảm thiểu tổn thất. Thời gian gần đây, sau nhiều biến cố xảy ra trên thế giới, các NH đang có xu hướng quan tâm đến nội dung cảnh báo sớm gian lận.

Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp này, các NH cũng có thể nhận biết được tình hình hoạt động của các chi nhánh trong hệ thống.

Liệu hệ thống EFD có giúp ngăn chặn những gian lận tại các NH Việt Nam hiện nay?

Thực ra, hệ thống không thể ngăn chặn hoàn toàn được gian lận mà đưa ra những cảnh báo rất sớm để NH nhận diện những gian lận. Từ đó, NH đưa ra những biện pháp để điều tra tìm hiểu nguyên nhân và ngăn ngừa các rủi ro gian lận sẽ xảy ra trong tương lai. Trên thế giới cũng có nhiều NH áp dụng hệ thống cảnh báo sớm, tuy nhiên kết quả không phải là ngăn chặn hoàn toàn gian lận mà sẽ giảm thiểu các tổn thất cho NH, vì tội phạm ngày càng tinh vi và nghĩ ra nhiều hình thức gian lận mới.

Ví dụ, khi chúng ta lái xe ô tô, nếu hệ thống trong xe báo lỗi bằng tín hiệu đỏ có nghĩa là có vấn đề gì đó đang xảy ra với hệ thống vận hành của xe. Tương tự, hệ thống cảnh báo này sẽ đưa ra những cảnh báo sớm đối với các giao dịch trong NH nếu có dấu hiệu đáng ngờ xảy ra.

Các gian lận liên quan đến quan hệ tín dụng hay tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay cùng một lúc, giấy tờ giả… thì hệ thống cảnh báo thế nào?

Kết quả phân tích sẽ cho biết gian lận có nguy cơ xảy ra ở bộ phận nào trong NH. Ví dụ, một khách hàng muốn có nhiều khoản vay với NH, họ nộp hồ sơ vay vào các chi nhánh khác nhau của NH, sử dụng các thông tin cá nhân khác nhau để có thể tối đa các khoản vay của họ. Nếu không có hệ thống phân tích và điều tra gian lận, NH khó có thể phát hiện được hành vi gian lận này.

Ở Singapore, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ tư vấn này đối với sản phẩm là các khoản vay cá nhân. Thông thường, các khoản vay cá nhân sẽ phát sinh nhiều rủi ro gian lận. Hệ thống cảnh báo sớm đã giúp phát hiện ra một khách hàng dùng một số điện thoại và đứng tên trong rất nhiều khoản vay.

Thông tin tín dụng từ CIC, nợ thuế của cơ quan thuế, thông tin đăng ký kinh doanh DN... có được hệ thống đưa vào làm những cơ sở để phân tích và cảnh báo không?

Có. Nếu có càng nhiều dữ liệu thì hệ thống phân tích càng chính xác và hệ thống cảnh báo này sẽ hạn chế các khoản vay có nguy cơ trở thành nợ xấu thông qua việc kiểm tra các khoản vay ngay từ các giao dịch ban đầu. Ví dụ trên thế giới các NH cập nhật các thông tin của khách hàng bao gồm mã số thuế, giấy phép kinh doanh… và đưa vào phân tích từ đó có khả năng kiểm tra dữ liệu mã số thuế này có đúng không, có khớp với mã số thuế được cấp bởi cơ quan thuế hay không.

Nhiều thông tin liên quan đến các thông tin cá nhân của khách hàng, ví dụ như tên, số điện thoại, địa chỉ, nơi ở cũng được đưa vào hệ thống để phân tích nhằm phát hiện gian lận. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp cùng một thông tin nhưng NH ghi nhận rất khác nhau trên hệ thống, cách ghi nhận thông tin của khách hàng không nhất quán cũng có thể khiến NH gặp khó khăn trong việc phân tích và xác định các hành vi, giao dịch đáng ngờ đối với một khách hàng mà từ đó có thể gây ra rủi ro và tổn thất cho NH.

Hiện nay hệ thống này chưa được nhiều NH áp dụng vì hầu hết các NH chỉ ứng dụng hệ thống cảnh báo đỏ mà không áp dụng hệ thống cảnh báo sớm như Deloitte đang thực hiện. Tôi có thể khẳng định hệ thống này hiện tại là rất mới trên thế giới. Như một yếu tố “đổi mới” trong hệ thống NH, tôi hy vọng hệ thống này trong tương lai sẽ giúp ích cho các NH.

Trên thực tế, Deloitte đang giúp VietinBank xây dựng hệ thống EFD gồm những gì?

Hiện Deloitte được đánh giá là số 1 trên toàn cầu về cung cấp giải pháp cảnh báo gian lận sớm. Nhằm phát hiện sớm dấu hiệu gian lận trong hoạt động của VietinBank, chúng tôi giúp NH xây dựng khung và các phương pháp luận, đào tạo cho các cán bộ NH thông qua hệ thống phân tích, từ hệ thống này mới cho ra các cảnh báo. Việc chúng tôi giúp đào tạo cán bộ cho NH này để sau đó họ có khả năng tự thực hiện kỹ thuật chuyên môn về phát hiện gian lận.

Dự án bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của VietinBank về quản trị rủi ro liên quan đến gian lận tại NH. Bên cạnh đó, NH cũng muốn xây dựng một phần mềm cảnh báo giảm thiểu gian lận này, đề xuất chúng tôi giúp xây dựng phương pháp luận, xây dựng khung cảnh báo. Thực ra, hợp đồng với VietinBank là giai đoạn thử nghiệm để giúp NH có thể xem xét việc triển khai và thành quả ra sao...

Xin cảm ơn ông!

Trường Sơn thực hiện

Tags: #VietinBank
Tin đọc nhiều