Cánh chim đầu đàn đổi mới ngân hàng

08:58 | 29/04/2015

Lịch sử Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh gắn chặt với sự phát triển của thành phố, nơi có nhiều cơ hội và nhiều rủi ro thị trường. Ngân hàng này tiếp tục là trụ đỡ cho các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. 

Trong cuốn sách về lịch sử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhóm tác giả Nguyễn Duy Lộ và các giáo sư ở Viện Kinh tế Việt Nam có đoạn viết rằng, Vietcombank nhận trọng trách tham gia nâng đỡ nền kinh tế, khi quyền kinh doanh được trả về cho thị trường thời kỳ đầu đổi mới.

canh chim dau dan doi moi ngan hang
Cơ chế tín dụng đã góp phần giúp xuất khẩu gạo bật dậy

Mở đường…

Ở thời điểm đó BIDV còn là ngân hàng kiến thiết, VietinBank và Agribank mới ra đời và chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường tiền tệ. Tháng 1/1989, Vietcombank chính thức “ra ở riêng”, Nhà nước cấp cho 200 triệu USD làm vốn điều lệ tương đương với khoảng 1.000 tỷ đồng. Đó là một dấu mốc quan trọng trong thời kỳ đổi mới của hệ thống ngân hàng, chuyển đổi từ mô hình ngân hàng cấp phát vốn sang tự chủ kinh doanh. Trước đó, vốn liếng Nhà nước lẫn lộn trong kinh doanh, ngoại tệ Nhà nước hòa vào nguồn vốn của Vietcombank biến thành tiền đồng, cho vay theo chỉ định.

Đến nay, ông Nguyễn Duy Lộ, vẫn còn nhớ, thói quen bao cấp nhiều năm đã tạo ra một cung cách làm ăn rất nguy hiểm ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. DN vay 1 đồng đầu năm mua vật tư, cuối năm vật tư lên 5 đồng, nhưng họ cũng chỉ trả ngân hàng 1 đồng cộng thêm chút lãi suất. Trong tiềm thức của các DN, vay càng nhiều càng tốt, vay không làm gì cũng có lãi. Ngân hàng cũng độc quyền cấp phát vốn, quan hệ vốn liếng “hầm bà làng”, không rõ ràng. Đến khi đổi mới, nguồn vốn kinh doanh với vốn Nhà nước mới tách bạch rõ ràng hai cấp quản lý và kinh doanh tiền tệ.

Sau một năm Vietcombank tự chủ kinh doanh, thì cùng với Quyết định 217 của Chính phủ, đã bắt buộc các xí nghiệp quốc doanh phải tự chủ sản xuất kinh doanh. Năm 1989 Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo, chấm dứt chuỗi ngày dài thiếu đói của người dân một đất nước chịu nhiều tàn phá nặng nề sau chiến tranh.

Cũng nên nhắc lại rằng, năm trước đó Nhà nước vẫn phải dùng đến quỹ dự trữ ngoại hối nhập khẩu 400 ngàn tấn lương thực cứu đói cho dân. Việc bán gạo ra thị trường quốc tế đã mở đường cho hàng loạt mặt hàng dầu thô, nông sản xuất khẩu sau đó. Ngoại tệ đổ dồn về đất nước, nhưng lại chưa có một cơ chế sử dụng hiệu quả vốn ngoại tệ. Cùng với đó, là chính sách đa tỷ giá, kết nối đồng Rúp, USD… bị xóa bỏ thay thế bằng chính sách một tỷ giá neo đồng nội tệ vào USD.

Chênh lệch tỷ giá bắt đầu phát sinh gây lỗ nặng, buộc Vietcombank phải đánh giá lại tài sản, nợ nần. Việc này đã kéo uy tín quốc tế của một NHTM đầu đàn trong nền kinh tế Việt Nam giảm sâu, Vietcombank đối mặt trước đòi hỏi “cải tổ hay giải tán” trước các định chế tài chính quốc tế. Ông Nguyễn Duy Lộ, Phó tổng giám đốc Vietcombank giai đoạn này cho biết 10 năm trước đó, các khoản vay nợ Nhà nước và thương mại đều do Vietcombank đứng tên và phải tác nghiệp thay mặt trả nợ. Trong cơ cấu nợ thì nợ dài hạn trên 10 năm không nguy hiểm bằng các khoản nợ bằng USD kỳ hạn dưới 3 năm buộc phải đàm phán cho gia hạn với Câu lạc bộ Paris - tổ chức chuyên giàn xếp nợ quốc gia.

Theo ông Nguyễn Duy Lộ, tổng số nợ quốc gia năm 1989 vào cỡ vài ba tỷ USD, trong đó số nợ của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (thường gọi khu vực II) chỉ chiếm 30% nợ của cả nước nhưng lại rất nguy hiểm vì chủ yếu nợ ngắn hạn.

Bán nợ

Nợ nần quốc gia đẩy Vietcombank vào thế đứng chênh vênh bên nền kinh tế vừa thoát ra khỏi tình trạng siêu lạm phát. Ông Nguyễn Duy Lộ, được NHNN phân công vào làm Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11/1989 để giải quyết nợ nần khu vực II. “Lúc tôi đến nhận nhiệm vụ ở TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu do cơ chế vay vốn nhập vật tư, máy móc, công nghệ, thành phố đứng vay nợ của nước ngoài. Tổng số nợ nần này nằm trong hệ thống công ty xuất nhập khẩu ở TP. Hồ Chí Minh, trên 200 triệu USD, tương đương với mức vốn điều lệ của Vietcombank lúc bấy giờ” – ông Lộ nói.

Và hình thức bán nợ đã hình thành ở thời điểm đó là ngân hàng thỏa thuận trực tiếp với các chủ nợ quốc tế cho gia hạn và trả trước một phần lãi vay. Bên cạnh đó trong nước thỏa thuận với các con nợ, bán nợ ra để thu hồi vốn về, có tiền trả nợ cho thành phố vay nợ quốc tế qua hình thức nhập khẩu vật tư nông nghiệp. Các sử gia tài chính trong nước và quốc tế, nhìn nhận ba giải pháp giải quyết nợ xấu (con nợ và chủ nợ làm việc với nhau; hoãn nợ, trả nợ một phần cho vay mới trả cũ; khoanh nợ, cho vay tiếp để tạo điều kiện phục hồi sản xuất trả nợ chứ không chuyển nợ) đầu thập niên 1990 khá hiệu quả. Nợ xấu không bị tồn đọng, vực dậy uy tín cho ngân hàng trước các định chế tài chính quốc tế và hàng hóa lưu thông trở lại trong nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Duy Lộ, không thể phủ nhận những DN tự cân đối vay và trả nợ, có hiệu quả kinh doanh tốt như Saigontourist, Dệt Thành Công, Seaprodex…

“Mắt xích lịch sử” của TP. Hồ Chí Minh

Truyền thống năng động của TP. Hồ Chí Minh, đã tạo ra nhiều DN tốt, đòi hỏi chi nhánh Vietcombank thành phố phải sáng tạo và đi đầu trong hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Chi nhánh ngân hàng này gắn chặt với quá trình phát triển của thành phố trên bước đường đi lên của xã hội mới. Năm 1993 sau khi đảm bảo trả nợ nước ngoài, Vietcombank bắt đầu làm ăn có lãi khoảng 20 triệu USD. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, ngân hàng này đã dùng 10 triệu USD từ lợi nhuận ròng, xóa nợ nhập khẩu vật tư máy móc từ trước đổi mới cho TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục vai trò cung cấp vốn và dịch vụ thanh toán cho hệ thống công ty xuất nhập khẩu toàn khu vực miền Nam, TP. Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương Vietcombank đặt 2 phòng kinh doanh ngoại tệ (dealing room) đầu tiên ở Việt Nam. Từng làm việc với 50 ngân hàng nước ngoài, sau đó thực hiện mua bán qua đêm theo giá của thị trường New York, Vietcombank trở thành một NHTM đầy đủ chức năng. Sau này các chính sách chuyển và nhận kiều hối mở đường cho hoạt động chi trả kiều hối hiện nay đã có thêm các ngân hàng cổ phần tham gia kinh doanh…

Trong khoảng 5 năm đầu sau khi ra tự chủ kinh doanh, Vietcombank không chỉ đứng ra gánh vác nợ nần quốc gia, cơ cấu ngân hàng, mà còn là bệ đỡ cho các công ty xuất nhập khẩu. Trong đó, có số nợ 10 triệu USD đầu thập niên 1994 mà Vietcombank đã đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng lãi ròng của mình xóa nợ cho TP. Hồ Chí Minh. Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã vượt lên sự thiếu đồng bộ trong cơ chế chính sách chung để kích thích cho sản xuất nông nghiệp bật dậy. Chẳng hạn: cung cấp vốn và dịch vụ thanh toán cho toàn bộ các công ty xuất nhập khẩu đến quận, huyện; bảo lãnh nhập phân bón phục vụ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên chính việc bảo lãnh nhập phân bón đã để lại cho Vietcombank một rủi ro rất lớn trong tài sản đảm bảo nợ vay... Đến năm 1997 Chính phủ mới chính thức cho phép cho vay và bảo lãnh nhập phân bón không cần có tài sản thế chấp và không còn giới hạn tỷ lệ 10% vốn điều lệ ngân hàng trên khoản bảo lãnh.

Đến ngày nay Vietcombank vẫn là một ngân hàng đi đầu về phương thức kinh doanh và cụ thể hóa các chính sách tiền tệ. Lịch sử Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh gắn chặt với sự phát triển của thành phố, nơi có nhiều cơ hội và nhiều rủi ro thị trường. Ngân hàng này tiếp tục là trụ đỡ cho các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. Ông Nguyễn Duy Lộ, gần đây luôn nói, quy mô nền kinh tế càng lớn, càng cần những công cụ thị trường đủ sức mạnh để Nhà nước điều tiết thị trường đi đúng hướng.

Đình Hải

Tags: #Vietcombank
Tin đọc nhiều