Cho vay ngách siêu nhỏ
Cuối tháng 7, Công ty Tài chính HD Saison phối hợp với trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia và Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech triển khai gói tín dụng giáo dục mang tên “Nàng Châu Long”.
Chương trình hỗ trợ vay vốn học tập này cho phép học sinh - sinh viên của trường vay vốn đóng học phí với mức lãi suất giảm 60% so với mức lãi suất HD Saison đang áp dụng thông thường. Ví dụ, một học viên có thể vay khoảng 50 triệu đồng tiền học phí, lãi suất khoảng 2%/tháng.
Được biết, chương trình xuất phát từ khảo sát thực tế tại Arena Multimedia và Aptech trong những năm qua, có đến 30% thí sinh nộp hồ sơ vào trường đều bị gánh nặng tài chính, cản trở con đường tiếp cận đến chương trình đào tạo nghề chuẩn quốc tế.
TCTD đang có hướng đi tập trung vào mảng tín dụng giáo dục |
Trước đó, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính cho các gia đình có con em đi học, FE Credit triển khai chương trình cho vay học sinh - sinh viên mua xe trước ngày tựu trường. Lãi suất cho vay tiêu dùng của FE Credit dao động khoảng từ 30%/năm, nhưng hầu hết các khoản vay này có kỳ hạn phổ biến từ 9 - 12 tháng, theo đó mức lãi phải trả theo tháng chỉ khoảng 2,7%.
Ngoài ra, khi mua xe máy trả góp thông qua FE Credit, người vay sẽ được hỗ trợ thêm những vật phẩm thiết yếu, đặc biệt dành cho các đối tượng học sinh - sinh viên trong dịp khai trường.
Cũng không để mất đi phân khúc khách hàng tiềm năng, Sacombank vừa ký kết toàn diện với trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trong đó có nội dung Sacombank sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích cho CBNV và sinh viên của trường. Như vậy, sau khi ký kết Sacombank có thêm một lượng khách hàng khổng lồ đến từ trường là 615 và gần 15.000 học sinh - sinh viên đang theo học...
Có thể nói, từ hơn 1 tháng nay các TCTD lớn nhỏ liên tục mở các gói tín dụng ưu đãi dành cho một nhóm đối tượng rất nhỏ, đó là học sinh – sinh viên. Đứng về phía đối tượng là học sinh-sinh viên, những người chưa có khả năng chủ động về tài chính thì các sản phẩm vay này mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho họ. Bởi các khoản vay không chỉ giải quyết nhu cầu học hành, chi tiêu mua sắm phương tiện đi lại để học tập mà qua đó còn giúp cho các đối tượng nhỏ tuổi tiếp cận với mô hình tài chính hiện đại, phù hợp với từng lứa tuổi.
Chẳng hạn, đối với chương trình “Nàng Châu Long”, một học viên được vay 80% học phí trọn khóa học trong 2,5 năm. Thủ tục vay chỉ cần bản sao CMND và Hộ khẩu (cần thêm cam kết bảo lãnh của cha mẹ nếu học viên chưa đi làm). Hình thức thanh toán cũng khá rõ ràng, đó là học viên sẽ thanh toán cả gốc lẫn lãi được chia đều trong suốt kỳ hạn vay. Điều này sẽ giúp người học dễ dàng hơn trong việc thanh toán khoản vay này mà không bị áp lực quá lớn phải trả một lần.
Ở chương trình vay tiền mua xe của FE Credit cũng vậy, với những đối tượng là học sinh - sinh viên, công ty cho vay với thủ tục hoàn toàn đơn giản, thậm chí còn tặng kèm các vật phẩm như balô, áo mưa và nón bảo hiểm dành cho 6.000 khách hàng đầu tiên mua xe máy trả góp với khoản vay từ 13 triệu đồng trở lên và được duyệt trong thời gian khuyến mãi.
Rủi ro chấp nhận được
Về mặt lý thuyết, còn khá nhiều người e ngại với những khoản vay dành cho học sinh - sinh viên. Một vài chuyên gia còn nói rằng, nếu không cẩn trọng TCTD sẽ gặp rủi ro với khoản vay tiêu dùng này.
Câu chuyện DongA Bank tung ra nhiều chương trình cho vay siêu tốc đối với học sinh - sinh viên cách đây vài năm nay đang gánh chịu hậu quả nợ xấu cao ở mảng này là bài học cho các TCTD. Ngược lại, với học sinh - sinh viên, việc tiếp cận quá sớm những khoản tín dụng trả lãi sẽ là quá sức với họ vì đây vẫn là đối tượng chưa kiếm được tiền, chưa chủ động được tài chính.
Học sinh – sinh viên đang được “chăm sóc” đặc biệt |
Thực tế, những băn khoăn mà các chuyên gia đưa ra không sai. Nhưng lãnh đạo của một số TCTD khẳng định, những rủi ro đó họ đã nhìn thấy và có thể kiểm soát được.
Trong đó, lãnh đạo của FE Credit cho rằng, không thể phủ nhận hoạt động cho vay vốn mua sắm của các công ty tài chính hoàn toàn dựa trên cơ sở tín chấp, họ thẩm định khách hàng thông qua những điều kiện nhất định. Song việc giải ngân vẫn phải dựa trên những điều kiện cơ bản chứ không giải ngân bừa bãi. Tỷ lệ nợ khó đòi, nợ mất vốn cũng đã được tính toán rất chi tiết. Đây cũng là một trong những lý do giúp FE Credit kiểm soát tốt các khoản vay thời gian qua.
Tương tự, ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, vì đối tượng học sinh –sinh viên chưa chủ động được thu nhập nên công ty sẽ giải ngân các khoản vay qua tài khoản của trường dựa trên giấy báo đóng học phí theo đợt. Như vậy, học viên không được cầm tiền mặt để chi tiêu.
“Những lo ngại về chuyện học viên vay tiền xong nghỉ học không trả nợ cũng có thể xảy ra, nhưng tôi cho rằng điều đó chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi những người có nhu cầu học tại trường đã xác định đó là nghề nghiệp cho tương lai, họ sẽ không bỏ dở vì khoản nợ vay. Ngoài ra, việc cho vay dễ không có nghĩa là công ty không thẩm định rõ ràng về nguồn gốc người bảo lãnh vay như gia đình, cha mẹ…”, ông Thái nhấn mạnh.
Đánh giá mức lãi suất của các NH trong gói tín dụng giáo dục đối với người vay, giới lãnh đạo công ty khẳng định là hợp lý. Thực chất, mô hình tín dụng giáo dục này đã được áp dụng rộng rãi từ lâu tại các nước phát triển do chính phủ đứng ra thực hiện. Tại Việt Nam, mô hình chưa nhiều, nay TCTD gỡ nút thắt tài chính cho người học với lãi suất thấp hơn hẳn so với các nước trên thế giới.
Quả vậy, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, so với lãi suất cho vay qua thẻ của các NH thì mức lãi suất cho vay tín dụng giáo dục tương đương. Trong khi đó, điều kiện mở thẻ để vay qua thẻ là rất khó, còn những khoản vay nêu trên thì dễ dàng hơn. Theo đó, xu hướng học sinh –sinh viên vay phục vụ cho việc học sẽ tăng lên theo thời gian.
“Đây là hướng đi mới do TCTD hiện nay đang gặp khó, muốn tiếp cận vay vốn đòi hỏi người vay phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau chính vì vậy cho vay tiêu dùng là kênh tín dụng được NH chú trọng trong lúc này”, ông Hiển nhận định.
Do lạm phát đang giảm, các TCTD đi sâu vào mảng kinh doanh nhỏ để tìm kiếm cơ hội giúp cho thị trường tài chính ngày một đa dạng. Bên cạnh đó, TCTD dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro giúp kéo giảm lãi suất, hỗ trợ người vay rất lớn…
Vương Linh