Cảnh giác với chiêu mời lì xì online để lừa đảo

14:07 | 19/02/2021

Những ngày đầu năm mới, nắm bắt xu hướng các ngân hàng thường tung các chương trình khuyến mại, lì xì nhằm thu hút khách hàng giao dịch, nhiều kẻ gian đã lợi dụng gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng gửi lì xì để lừa đảo.

Nô nức “săn” lì xì

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người đến giao dịch, gửi tiền tại các ngân hàng khá nhộn nhịp. Nhân dịp này, các ngân hàng cũng bắt đầu tung ra một loạt các chương trình khuyến mại, lì xì hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm, mở thẻ, mở tài khoản, ưu đãi vay vốn…

Cụ thể trong 2 ngày 17 và 18/2, khi thực hiện một trong các giao dịch như gửi sổ tiết kiệm, vay, phát hành thẻ, đăng ký gói tài khoản… tại quầy giao dịch của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng sẽ được nhận ngay một phần quà lì xì may mắn trị giá 100.000 đồng.

Ngoài ra, khách hàng còn có cơ hội tham gia chương trình quay số cuối chương trình để nhận được sổ tiết kiệm lên đến 50.000.000 đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.

canh giac voi chieu moi li xi online de lua dao
Ảnh minh họa

Hay như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), khách hàng cũng sẽ được nhận ngay lì xì may mắn từ 50.000 đồng khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng và có cơ hội tham gia quay số trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị lớn như: ô tô Mazda CX5 2.0L, 2 xe máy Honda PCX Hybrid 150, 10 xe đạp thể thao Asama Solano Factory...

Trong khi một số ngân hàng chỉ tặng bao lì xì trong 2-3 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới thì tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã triển khai chương trình "Khai xuân đón lộc" lì xì khách gửi tiết kiệm qua kênh trực tuyến, từ 12-27/2 (tức mùng 1 đến 16 tháng Giêng).

Cụ thể ngân hàng này sẽ tặng tiền, lì xì cho khách hàng gửi tiết kiệm, sử dụng các kênh trực tuyến như ngân hàng điện tử gồm Mobile Banking, Internet Banking, ứng dụng Sacombank Pay.

Với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy từ mùng 6 đến 16 Âm lịch (ngày 17-27/2) khách hàng lựa chọn gửi tiết kiệm truyền thống, tiết kiệm Tích tài, Tích góp hoặc các kênh trực tuyến từ mùng 6 đến mùng 9 Âm lịch (ngày 17-20/2) sẽ nhận lì xì đến 268.000 đồng.

Kẻ gian lợi dụng tung chiêu lừa

Nhân cơ hội nhiều ngân hàng tung các chương trình lì xì, khuyến mại cho người gửi tiền, sử dụng dịch vụ kéo dài, nhiều kẻ gian, tội phạm đã lợi dụng gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng lì xì để lừa đảo khách hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phát đi thông báo cho biết đã xuất hiện các đối tượng dùng thủ đoạn gửi tin nhắn "nhận tiền lì xì" đầu năm qua SMS, Zalo, Facebook với nội dung các tin nhắn kèm đường link dẫn đến các trang web giả mạo.

Các trang web này có tên, logo, giao diện giống với giao diện website, ứng dụng thanh toán của Agribank như agribanking.com.vn, agri2021.co, agribanks.link…

Khi khách hàng đăng nhập thì được yêu cầu xác nhận các thông tin như: user, mật khẩu đăng nhập ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking; mã OTP… để có thể nhận được "tiền lì xì" của Agribank.

Sau khi xác nhận user, mật khẩu đăng nhập, nạn nhân nhận được thông báo để tiến hành các bước tiếp nhận, xác nhận OTP và bị trừ tiền từ tài khoản. Do vậy Agribank khuyến cáo khách hàng để không rơi vào bẫy lừa của tội phạm.

Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra cảnh báo về các tin nhắn mạo danh ngân hàng được gửi nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Theo Cục An toàn thông tin, những tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster). Đây là các thiết bị có nguồn gốc nước ngoài, được mua bán, sử dụng trái phép nhằm phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các đô thị.

Những kẻ lừa đảo dùng thiết bị trên gửi tin nhắn rác trực tiếp vào điện thoại mà không thông qua mạng viễn thông di động. Chúng thay đổi thông tin nguồn gửi (số điện thoại, đầu số hoặc tên định danh) nhằm tạo lòng tin, đánh lừa người dùng.

Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo giống website chính thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP…

Người dùng không nhận biết được website giả mạo nên dễ cung cấp thông tin cá nhân truy cập vào tài khoản ngân hàng như điền tên tài khoản, mật khẩu. Sau khi người dùng cung cấp thông tin, website giả mạo sẽ điều hướng sang website khác hoặc thông báo đề nghị người dùng chờ đợi.

Kẻ lừa đảo dùng thông tin cá nhân của người dùng để đăng nhập vào website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng, lấy mã xác thực OTP (nếu cần). Sau khi điện thoại người dùng nhận được mã xác thực OTP, website giả mạo sẽ được điều hướng sang trạng thái yêu cầu người dùng cung cấp mã xác thực OTP. Người dùng không cảnh giác sẽ cung cấp OTP và kẻ lừa đảo hoàn tất quá trình chiếm đoạt tiền trong tài khoản

Để phòng ngừa và phối hợp xử lý, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng (app) trong tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều